Bất cập trong quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013. Sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Trong đó có bất cập về quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) khi áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung.

Theo Luật XLVPHC, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC. Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có thể được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính (áp dụng độc lập) hoặc hình thức xử phạt bổ sung (áp dụng kèm hình thức xử phạt chính) trong từng vi phạm cụ thể. Hình thức xử phạt này áp dụng với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Khải và Cộng sự, pháp luật về xử phạt VPHC hiện hành có sự không logic trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi để áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Cụ thể, trong trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện VPHC được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt bổ sung đi kèm, thì hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Chức năng của hình thức xử phạt bổ sung là bổ trợ cho hình thức xử phạt chính. Bởi vậy hình thức xử phạt bổ sung không thể áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Về hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, Điều 22 Luật XLVPHC quy định hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức VPHC không nghiêm trọng.

 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử phạt, tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: HỮU THANH.

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử phạt, tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: HỮU THANH.

Trong khi đó, theo Điều 26 của luật này thì biện pháp tịch thu tang vật VPHC được áp dụng với những VPHC nghiêm trọng. Như vậy, khi chủ thể vi phạm vừa bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo mà hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC thì sẽ có sự vướng mắc về lý luận. Ví dụ, Điều 16 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30-8-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp”. Vi phạm này đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật VPHC là giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung”.

Về vấn đề này, TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc: “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo ngay trong bản thân hệ thống, trong mỗi ngành luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau. Trong trường hợp này, một hành vi không thể vừa xác định là hành vi nghiêm trọng, vừa không nghiêm trọng được, nên khó có thể áp dụng đồng thời hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Ở đây đã có sự không chính xác trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, dẫn đến cách thiết kế chế tài không hợp lý. Hình thức tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là hình thức xử phạt được áp dụng với các VPHC nghiêm trọng. Do đó hình thức xử phạt này không thể áp dụng đồng thời với hình thức xử phạt cảnh cáo với tính chất là hình thức vi phạm không nghiêm trọng. Bởi vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại trừ quy định cho phép áp dụng đồng thời hình thức xử phạt cảnh cáo với hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC là cần thiết để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Cần sửa đổi pháp luật theo hướng tránh tình trạng xây dựng chế tài xử phạt với các hình thức mà bản chất có sự mâu thuẫn với nhau đối với một hành vi VPHC. Theo đó, nếu nhà làm luật đánh giá VPHC là không nghiêm trọng mà áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo thì không quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Ngược lại, nếu cho rằng vi phạm cần áp dụng biện pháp xử lý tịch thu tang vật, phương tiện VPHC nhằm răn đe thì không quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo với vi phạm này.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận, lấy ý kiến xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Mong rằng những bất cập như nêu trên sẽ được tháo gỡ, bảo đảm khi luật được thông qua sẽ có tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bat-cap-trong-quy-dinh-tich-thu-tang-vat-phuong-tien-vi-pham-641847