Bắt con quỳ vì thi trượt: Thi cử áp lực... đừng đẩy con đến chân tường

Từ câu chuyện người mẹ bắt con quỳ tại trường khi không đỗ vào lớp 10 cho thấy, áp lực thi cử rất nặng nề, vậy các bậc phụ huynh nên có hành xử thế nào để không tạo thêm áp lực cho con cái trong mỗi kỳ thi?

Câu chuyện mẹ bắt con quỳ tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hà Nội) vì con không đỗ vào lớp 10 trường này đang nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây. Sự việc xảy ra do nữ sinh thi lớp 10 được 32 điểm, trong khi điểm chuẩn vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là 40 điểm. Dù đã đóng phí đăng ký sớm nhưng khi được cộng 2 điểm phí giữ chỗ thì học sinh này vẫn không đủ điểm vào trường dẫn đến sự giận dữ của người mẹ.

Hình ảnh bé gái sợ hãi quỳ gối ở khuôn viên trường trước gương mặt giận dữ của người mẹ cho thấy, sự kỳ vọng của cha mẹ vào sự học của con cái là rất lớn nên khi kết quả thi cử không như mong muốn, cha mẹ bị sốc và thất vọng. Thi cử vốn dĩ đã là 1 áp lực nặng nề với các thí sinh, với con cái... vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tạo thêm áp lực cho con trước và sau mỗi kỳ thi.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, năm 2021. Ảnh: GD&TĐ

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, năm 2021. Ảnh: GD&TĐ

Hôm nay (7/7), khoảng một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đợt 1. Làm sao để học sinh giảm áp lực thi cử nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ đặt ra lúc này.

"Cha mẹ nên động viên con tiếp tục học tập, đừng phỉ báng, chửi bới"

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, phải xem việc thi cử rất là bình thường, chỉ là vấn đề OTK có nghĩa là xét lại xem việc học tập của học sinh ra sao. Cho nên nếu mà cha mẹ quan tâm đến con, không phải đến kỳ thi cử mà mình phải xem cả quá trình con học tập thế nào mới là điều quan trọng.

“Khi thi cử, kết quả thế nào, cha mẹ vẫn phải động viên con. Các cháu thi đỗ thì rất tốt nhưng nhiều cháu không thi được kết quả như mong muốn, cha mẹ cũng phải sẵn sàng tinh thần 'thua keo này, bày keo khác'. Bây giờ các cháu thi chưa đạt, cha mẹ không nên hình thức. Năng lực của các cháu chưa đạt mức độ đó mà cứ ép đến mức độ đó, cuối cùng cũng không thành công” -PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.

 PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ.

Theo ông Nhĩ, dù các học sinh có kết quả thi không tốt, cha mẹ tiếp tục động viên, bồi dưỡng cho các cháu tiếp tục học tập chứ đừng phỉ báng, chửi bới, phạt các cháu.

“Hình phạt sẽ không mang lại kết quả gì nhưng lại dẫn đến những hệ lụy không tốt. Không ít cháu vì áp lực mà chán nản khi kết quả không tốt, thậm chí từng có trường hợp quyên sinh” - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nói.

Dẫn ví dụ ở các nước, người ta chỉ học hết cấp 2 là đã phân luồng như luồng nghiên cứu, đào tạo chuyên nghiệp, luồng khác đào tạo công nhân, người thợ lành nghề, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, người thợ mà làm tốt đi toàn thế giới và làm giàu.

“Nói như vậy, để thấy làm sao mình cứ phải tạo áp lực cho các cháu, cứ ép các cháu vào đại học làm gì. Bây giờ học cao đẳng cũng có cơ hội liên thông lên đại học.

Người Việt Nam có câu “Liệu cơm mà gắp mắm”, con mình tài giỏi, thông minh thì cha mẹ tiếp tục động viên con học tập theo con đường nghiên cứu nhưng nếu con mình ở mức độ vừa phải thì cho đi học cao đẳng, học nghề.

Việc này là việc bình thường. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, con mình thực lực yếu không thể đặt kỳ vọng quá nhiều vào những trường top cao” – ông Nhĩ nói.

Học nghề, học Cao đẳng cũng là lựa chọn tốt

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khi trao đổi với PV về vấn đề trên cho rằng, đối với cha mẹ, thứ quý giá nhất là những đứa con.

“Hiện nay, việc các cháu học tích cực, học giỏi thì chuyện thi cử không quan trọng lắm, điểm cao thì vào trường tốt, điểm thấp thì vào trường vừa vừa. Đối với các cháu học yếu, nếu kết quả không tốt sẽ dẫn đến sự buồn chán, lo lắng. Bố mẹ nào cũng có hoài bão, ước mơ, sự kỳ vọng vào con cái rất nhiều nhưng cần kỳ vọng vừa thôi” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

Ông Lâm cho rằng, kỳ vọng của chính các em học sinh mới là quan trọng. Cha mẹ phải đồng hành với con nhiều hơn, phải biết lắng nghe, thấu hiểu, nhất là thời điểm các con vượt vũ môn rất áp lực, rất mệt nhọc, căng thẳng.

“Cha mẹ chưa nên đặt ra cho các con là đỗ hay trượt, trường cao hay thấp mà phải chấp nhận tất cả các kết quả. Với những kết quả tốt đẹp thì không cần bàn đến. Không may có những cháu điểm thấp, không vào được đại học sẽ có hai con đường. Một là cháu quyết tâm làm lại thì cha mẹ cần ủng hộ. Hai là đánh giá lại năng lực, sở trường của con mình, từ đó tìm ra hướng đi phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình như đi học nghề, chứ không cần phải so sánh với con người ta” - TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.

TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Tiền phong.

TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Tiền phong.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, có nhiều con đường để thực hiện hoài bão, ước mơ, mong muốn của bản thân các em học sinh chứ không phải chỉ có một con đường.

“Cha mẹ cần rút kinh nghiệm cho các con. Đây là bài học cuộc sống, nếu thật sự đã cố gắng đến mức có thể thì không có gì ân hận. Nếu chểnh mảng, lười nhác, không cố gắng thì phải cố gắng lại từ đầu. Phụ huynh phải hướng giúp cho con tự phát triển, hoàn thiện bản thân, cái này mới là cái lớn chứ không phải là trường nọ, trường kia” - ông Lâm nói.

Nói về việc trải qua bao nhiêu áp lực thi cử để vào được đại học nhưng sau đó ra trường lại không có việc làm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đó là một thực tế đang tồn tại.

“Đây là một hiện trạng mà sau này phải khắc phục. Hiện nay chúng ta căn cứ đầu vào chứ không căn cứ vào đầu ra. Các trường đại học phải đảm bảo chất lượng, nguồn nhân lực đầu ra, đáp ứng nhu cầu chứ không phải cứ đào tạo rồi các em ra trường cầm tấm bằng đại học nhưng không xin được việc lại đi làm công nhân thì đào tạo vô ích. Cách đào tạo này là vô trách nhiệm.

Các trường đại học phải rút kinh nghiệm, củng cố. Hiện nay họ vẫn chạy theo số lượng, sinh viên học thì cấp bằng. Trên thế giới, họ quan tâm chất lượng đầu vào và đầu ra rất chặt chẽ chứ không phải như chúng ta hiện nay” - ông Lâm nêu ý kiến.

Mời độc giả xem thêm video Quyết tâm tổ chức kỳ thi đảm bảo phòng dịch:

Nguồn: VTV 24

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bat-con-quy-vi-thi-truot-thi-cu-ap-luc-dung-day-con-den-chan-tuong-1559179.html