" Hộ chiếu vắc xin" xuất hiện ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20 trong bối cảnh đại dịch đậu mùa bùng phát. Theo thông tin của giới chức trách, dịch bệnh này kéo dài từ năm 1899 - 1904.
Trong khoảng thời gian đó, 164.283 người dân Mỹ mắc bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, một vài nguồn tin cho rằng số người mắc căn bệnh này gấp 5 lần số liệu giới chức trách công bố.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đậu mùa, giới chức Mỹ tiến hành tiêm chủng cho người dân trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, người dân tiêm chủng vắc xin đậu mùa được cấp giấy chứng nhận. Đây được coi là "hộ chiếu vắc xin" để họ có thể đến các địa điểm công cộng như trường học, nhà máy, đi tàu, xem hòa nhạc...
Dù vậy, một số người không thực hiện tiêm chủng vắc xin đậu mùa. Để có thể đi lại tự do như những người đã tiêm chủng, những trường hợp không tiêm chủng làm giả mạo giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin đậu mùa.
Xuất phát từ tình hình một số trường hợp làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin đậu mùa, giới chức trách đề nghị cảnh sát cùng vào cuộc điều tra xác nhận.
Song song với đó, các chuyên gia y tế đưa ra giải pháp là kiểm tra xem một người có tiêm chủng vắc xin đậu mùa hay không bằng cách quan sát trên cánh tay của họ có vết sẹo do tiêm vắc xin để lại.
Vết sẹo này được hình thành sau khi một người tiêm vắc xin đậu mùa. Nó không thể làm giả.
Vì vậy, giới chức trách dễ dàng kiểm tra giấy chứng nhận và vết sẹo trên tay mỗi người để xác nhận những người nào đã tiêm vắc xin đậu mùa.
Những người nào không có vết sẹo chứng tỏ đã tiêm vắc xin đậu mùa sẽ không được phép tới các địa điểm công cộng.
Mời độc giả xem video: Sức khỏe 3 người Việt Nam tình nguyện tiêm vắc xin ổn định. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo History)