Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đức đã khai quật được những chiếc xương chân gấu trong các hang động ở di chỉ Middle Pleistocen, Schöningen, Lower Saxony. Kết quả nghiên cứu chúng cho thấy con người đã lột da gấu cẩn thận vào khoảng 320.000 năm trước. Điều này cho thấy các loài thuộc chi Người đã biết lấy da gấu, xử lý chúng để làm quần áo từ khá sớm.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ivo Verheijen đến từ Trung tâm Tiến hóa Con người và Môi trường Cổ Senckenberg tại Đại học Tübingen và Bảo tàng Forschungsmuseum Schöningen của Đức cho biết: "Các vết cắt trên xương thường được giải thích trong khảo cổ học như một dấu hiệu cho thấy việc sử dụng thịt. Nhưng xương chi thì khó mà lấy được thịt".
Theo Tiến sĩ Ivo Verheijen, trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu có thể cho rằng, những vết cắt tinh xảo và chính xác như vậy là do việc lột da cẩn thận.
Các vết cắt rất mỏng được tìm thấy trên các mẫu vật cho thấy quá trình giết mổ động vật rất tinh vi và cho thấy sự tương đồng trong mô hình giết thịt với gấu từ các địa điểm thời kỳ đồ đá cũ khác trong khu vực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chúng do cùng một cộng đồng người thực hiện. Từ đây, họ cho rằng rất có thể từ hơn 300.000 năm trước, người cổ đại ở Bắc Âu đã có thể sống sót qua mùa Đông một phần nhờ vào việc khoác lên người lớp da gấu ấm áp giống như cách chúng ta mặc áo lông ngày nay.
Việc lấy da gấu và xử lý da vào khoảng 300.000 năm trước là một phát hiện bất ngờ, gây kinh ngạc lớn bởi giới khảo cổ từng tin rằng quần áo được phát minh sau đó rất lâu.
Thêm nữa, phát hiện mới chỉ ra con người sống cách đây khoảng 300.000 năm đã săn gấu và biết cách xử lý từng phần cơ thể của chúng theo những mục đích riêng.
Kỹ thuật xử lý da cũng đòi hỏi hiểu biết và mức độ tiến hóa cao của con người. Da gấu phải được lột bỏ khỏi xác con vật ngay sau khi chúng chết bởi nếu không thì lông sẽ bị rụng và da của nó sẽ không thể sử dụng để làm quần áo được nữa.
Giáo sư Nicholas Conard, tác giả chính của nghiên cứu tại Trung tâm Tiến hóa con người và môi trường cổ Senckenberg thuộc Viện Khoa học Khảo cổ học và Khoa Sinh thái học tiền sử và Đệ Tứ của Đại học Tübingen nhận định phát hiện mới mở ra một viễn cảnh mới. Người xưa không chỉ săn bắt động vật để làm thức ăn mà còn sử dụng bộ da của chúng để tồn tại trong thời tiết giá lạnh.
Theo giáo sư Nicholas Conard, việc sử dụng da gấu có thể là một cách thích nghi quan trọng của con người thời kỳ đó trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở phía Bắc.
Mời độc giả xem video: Nga: Gấu trúc “chiến đấu” cùng người tuyết. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Sci.news)