Bất ngờ động thái 'ngược dòng' của Mỹ đúng ngày TT Trump muốn gặp Chủ tịch Kim
Một thông cáo của Triều Tiên lại Liên Hợp Quốc phần nào cho thấy sự chia rẽ trong chính phủ Mỹ.
Hôm thứ tư (3/7), phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chỉ trích Mỹ đang ngày càng tỏ ra "kiên quyết với các hành động thù hằn" trước Bình Nhưỡng, bất chấp mong muốn của Tổng thống Donald Trump là khôi phục đàm phán giữa hai nước.
Trong một thông cáo, phía Triều Tiên cho hay, họ đang đáp lại một cáo buộc của Mỹ là Bình Nhưỡng đã vi phạm giới hạn về nhập khẩu dầu tinh chế. Hôm 29/6, một lá thư gửi đi từ ký tên các phái đoàn Mỹ, Pháp, Đức và Anh tới LHQ đã yêu cầu áp dụng thêm trừng phạt cho Triều Tiên.
"Điều không thể bỏ qua là lá thư chung trên được phái đoàn Mỹ gửi tới LHQ theo sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ và vào đúng ngày Tổng thống Trump đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh", thông cáo viết.
Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên vào hôm chủ nhật (30/6) khi ông gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán với mục tiêu khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
"Ám ảnh bởi trừng phạt"
Tháng trước, phát biểu trước một ủy ban trừng phạt hội đồng, Mỹ và một số đồng minh cáo buộc, Triều Tiên đã vi phạm mức trần 500.000 thùng một ngày (được áp dụng từ tháng 12/2017), chủ yêu thông qua đường vận chuyển biển.
Washington muốn ủy ban trừng phạt Triều Tiên, bao gồm 15 thành viên, phải ngay lập tức yêu cầu dừng cung cấp dầu tinh chế cho quốc gia châu Á. Tuy nhiên, hai đồng minh của Bình Nhưỡng là Nga và Trung Quốc đã trì hoãn động thái này.
"Thật nực cười là Mỹ tiếp tục cư xử như bị ám ảnh bởi trừng phạt và chiến dịch gây sức ép lên Triều Tiên, cũng như coi trừng phạt là một biện pháp cho mọi vấn đề", phái đoàn Triều Tiên nhấn mạnh. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay, vòng đàm phán mới gần như chắc chắn sẽ diễn ra "một thời điểm nào đó trong tháng bảy" và các nhà đàm phán Triều Tiên sẽ là giới chức ngoại giao.