'Bất ngờ tháng 10' ập đến với cả ông Trump và bà Harris

Chuỗi ba vấn đề về đối nội và đối ngoại cộng với những tiết lộ mới xoay quanh cáo buộc hình sự của ông Trump đã mở đầu tháng 10 đầy biến động trước thềm bầu cử.

Một loạt “bất ngờ tháng 10” xảy ra với tốc độ chóng mặt. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra xoay quanh việc liệu những vấn đề đối nội và đối ngoại của Mỹ hiện nay có đủ sức nóng để phá vỡ thế sít sao trong cuộc đua tổng thống hay không.

Chỉ một tháng trước thềm bầu cử, nước Mỹ phải đối mặt với ba thách thức lớn: làn sóng đình công, nguy cơ chiến sự ở Trung Đông và hậu quả từ cơn bão lịch sử Helene.

Ba thách thức nói trên được xem là bài kiểm tra năng lực lãnh đạo của bà Harris và cử tri sẽ dựa vào kết quả xử lý các cuộc khủng hoảng này để quyết định bỏ phiếu cho ứng viên nào.

 Những khủng hoảng hiện tại của nước Mỹ về làn sóng đình công, hậu quả bão Helene và tình hình chiến sự Trung Đông được xem là bài kiểm tra năng lực lãnh đạo cho bà Kamala Harris. Ảnh: New York Times.

Những khủng hoảng hiện tại của nước Mỹ về làn sóng đình công, hậu quả bão Helene và tình hình chiến sự Trung Đông được xem là bài kiểm tra năng lực lãnh đạo cho bà Kamala Harris. Ảnh: New York Times.

Cùng lúc, ông Trump đang phải đối mặt với những bê bối liên quan đến cáo buộc “sử dụng sự gian dối để nhắm vào mọi giai đoạn của quá trình bầu cử” năm 2020.

Cụ thể, vào ngày 2/10, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã đệ trình hồ sơ dài 165 trang trích dẫn nhiều phát ngôn của cựu tổng thống chưa từng được tiết lộ trước đây, đồng thời cho rằng ông Trump không nên được hưởng quyền miễn truy tố.

Những “bất ngờ tháng 10” này đã phơi bày các lỗ hổng của hai ứng viên trong bối cảnh cử tri chuẩn bị quyết định bỏ phiếu.

Bất ổn của ông Trump

Một trong những khía cạnh khó tin nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 nằm ở việc ông Trump, người từng nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử gần nhất, có cơ hội chiến thắng được cho là tương đương với bà Harris, CNN nhận định.

Sau khi công tố viên đặc biệt Smith công bố bản hồ sơ dài 165 trang, ông Trump đã tuyên bố một cách vô căn cứ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden mượn tay hệ thống pháp lý để chống lại ông và can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay.

Các công tố viên cáo buộc rằng một nhân sự của Nhà Trắng đã nghe cựu tổng thống nói với gia đình vào năm 2020 rằng việc ông chiến thắng hay thua cử không quan trọng mà "vẫn phải chiến đấu hết mình".

Ông Trump thậm chí còn được cho là đã buộc các đồng minh đảng Cộng hòa ủng hộ những tuyên bố sai lệch của bản thân về đợt bầu cử 4 năm trước.

Đơn cử, trong màn tranh luận trước ông Tim Walz hôm 4/10, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance đã né tránh câu hỏi rằng liệu ông Trump có thất cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

 Cựu Tổng thống Donald Trump cũng đang đối mặt với những thử thách riêng liên quan đến cuộc bầu cử 4 năm trước song vẫn không quên công kích đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng đang đối mặt với những thử thách riêng liên quan đến cuộc bầu cử 4 năm trước song vẫn không quên công kích đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Nhiều cử tri đảng Cộng hòa có xu hướng tin vào các tuyên bố sai lệch của ông Trump. Tuy nhiên, lối lập luận của cựu tổng thống chưa hẳn sẽ thuyết phục được bộ phận cử tri trung lập ở các bang chiến trường.

Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa rõ những tiết lộ mới của ông Smith sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cục diện cuộc bầu cử năm nay.

Khó khăn cho bà Harris

Phe Dân chủ cũng đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Lỗ hổng lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của bà Harris có thể nằm ở việc cam kết khôi phục trạng thái ổn định cho nước Mỹ hậu đại dịch của chính quyền Biden vẫn chưa được thực hiện.

Ở mặt trận đối ngoại, một cuộc xung đột kéo dài giữa Iran và Israel có thể buộc quân đội Mỹ phải đối đầu với Tehran và đặt Washington vào thế khó.

Cùng lúc đó, tình trạng lạm phát kéo dài cộng dồn với làn sóng đình công ở khu vực vùng Vịnh có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây thiệt hại hàng tỷ USD, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tín nhiệm của cử tri về đường lối kinh tế của bà Harris.

Giữa cơn khủng hoảng đó, hậu quả nặng nề từ bão Helene, cơn bão chết chóc nhất từng đổ bộ vào Mỹ trong 50 năm qua, làm tình hình bất ổn thêm căng thẳng.

Nhân cơ hội đó, ông Trump chỉ trích trên mạng xã hội Truth Social: “Nhìn vào tình hình hiện tại đi: tên lửa thì bay vèo vèo ở Trung Đông còn lạm phát thì đang hủy hoại thế giới. Lúc tôi tại nhiệm thì những chuyện này đâu có xảy ra”.

 Tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng từng ngày sau các chiến dịch tấn công "ăn miếng trả miếng" từ các bên Israel, Iran và Hezbollah. Ảnh: New York Times.

Tình hình Trung Đông đang trở nên căng thẳng từng ngày sau các chiến dịch tấn công "ăn miếng trả miếng" từ các bên Israel, Iran và Hezbollah. Ảnh: New York Times.

Giới quan sát cho rằng những “bất ngờ tháng 10” nối tiếp nhau xảy ra chưa hẳn sẽ có tác động đáng kể đến cục diện cuộc bầu cử, đặc biệt là đối với một đợt tranh cử vốn đã đầy biến động và bất ngờ như năm nay.

Về mặt lý thuyết, bất kỳ diễn biến bất ngờ nào cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của hàng trăm nghìn cử tri tại những bang chiến địa, vốn được cho là sẽ định đoạt kết quả cuộc bầu cử.

Bà Harris được cho là đang nhỉnh hơn ông Trump đôi chút về tỷ lệ ủng hộ từ cử tri song kết quả khảo sát tại các đang chiến trường vẫn đang phản ánh sự kèn cựa sít sao.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-ngo-thang-10-ap-den-voi-ca-ong-trump-va-ba-harris-post1501861.html