Bắt nhóm 'tín dụng đen' chuyên cho công nhân vay tiền

Công an huyện Xuân Lộc vừa bắt khẩn cấp 3 đối tượng cùng ngụ huyện Xuân Lộc là: Nguyễn Hoài Nam (34 tuổi), Nguyễn Hoài Như Hoàng (31 tuổi, em ruột Nam) và Nguyễn Văn Rim (30 tuổi) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng đối với các công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Xuân Lộc.

Nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyên cho công nhân vay tiền và các tang vật. Ảnh: H. Đình

Nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyên cho công nhân vay tiền và các tang vật. Ảnh: H. Đình

Tại cơ quan điều tra, Nam và Rim đều khai nhận, năm 2017, trong quá trình làm công nhân tại Khu công nghiệp Xuân Lộc thấy nhu cầu vay tiền của công nhân rất lớn nên bàn nhau nghỉ việc để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng.

* “Sống” trên lưng người lao động

Nam và Rim đã gom góp tiền của cá nhân và huy động từ gia đình với số tiền 2 tỷ đồng để làm vốn. Bằng mối quan hệ đã được xây dựng từ trước nên việc tìm kiếm khách hàng vay của 2 đối tượng này rất dễ dàng.

Liên quan đến việc triệt phá nhóm cho vay lãi nặng vào ngày 26-9, trong buổi chào cờ sáng thứ hai 30-9, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Xuân Lộc đã tặng giấy khen cho tập thể Đội Điều tra tổng hợp và 11 cá nhân là cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Xuân Lộc vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo thống kê của Công an huyện Xuân Lộc, tính từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã triệt phá được 3 băng nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” ở Khu công nghiệp Xuân Lộc. Qua điều tra, Công an huyện đã xử lý hình sự 1 đối tượng, xử lý hành chính 5 đối tượng.

Làm việc với công an, Rim và Nam khai nhận thủ tục cho vay tiền rất đơn giản, khách hàng chỉ cần thế chấp thẻ ATM, sổ bảo hiểm xã hội là được giải quyết cho vay ngay từ 2-7 triệu đồng tùy theo mức lương, lãi suất dao động từ 4-6%/tháng hoặc từ 48-72%/năm, cao gấp nhiều lần so với mức lãi suất cho vay theo quy định của Nhà nước.

Để đối phó với công an, khi cho vay tiền, Nam và Rim yêu cầu khách hàng viết giấy mượn nợ với lãi suất theo quy định của Nhà nước. Theo đó hằng tháng, cứ đến khoảng ngày 10 và ngày 25, cả hai tự lấy thẻ ATM của con nợ đi rút tiền để lấy phần lãi, số còn lại trả lại cho con nợ.

Do số lượng con nợ ngày càng đông với hơn 200 người nên Nam và Rim phải thuê thêm Hoàng là em trai của Nam phụ giúp công việc rút tiền với thù lao từ 200-300 ngàn đồng/ngày (tùy theo số lượng thẻ).

Sau gần 1 tháng lập chuyên án theo dõi các đối tượng, trưa 26-9, Công an huyện Xuân Lộc bắt giữ Nam, Rim và Hoàng khi đang rút tiền trừ nợ tại trụ ATM của một ngân hàng nằm trong Khu công nghiệp Xuân Lộc.

Qua khám xét chỗ ở của các đối tượng, lực lượng công an đã phát hiện, tạm giữ 206 thẻ tín dụng; hơn 206 triệu đồng, 8 danh sách người vay, 121 hợp đồng vay, 120 sổ bảo hiểm xã hội và 4 điện thoại di động.

* Ngăn chặn cho vay lãi nặng

Với số lượng hơn 26 ngàn công nhân, Khu công nghiệp Xuân Lộc được ví như “mảnh đất” màu mỡ cho các nhóm đối tượng cho vay lãi nặng tại địa phương cũng như ở nơi khác đến đây hoạt động. Với các thủ tục cho vay nhanh, đơn giản, không cần thế chấp tài sản nên các đối tượng này tiếp cận rất dễ dàng với người có nhu cầu vay.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Xuân Lộc Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, trong thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã có rất nhiều chương trình, chính sách chăm lo thiết thực cho công nhân. Cụ thể như: xây dựng nhà mái ấm Công đoàn, hỗ trợ đoàn viên công đoàn khó khăn ốm đau bệnh tật…Tuy nhiên, ngoài các chương trình đã nêu, Công đoàn chưa có các chính sách cho vay đối với lực lượng công nhân.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Xuân Lộc Ngô Mạnh Chính cũng cho biết, hiện nay ngân hàng có nhiều các chương trình cho vay như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch nông thôn… Tùy theo chương trình có thể giải quyết cho vay từ 10-50 triệu đồng/hộ. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội như: xây mới, sửa chữa, thuê, mua nhà với số tiền không quá 500 triệu đồng/hộ. Hình thức cho vay tín chấp, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, để được vay tiền, người vay phải làm đơn gửi tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đó, tổ này sẽ tổ chức họp bình xét, nếu có trên 50% tổ viên đồng ý sẽ được chuyển hồ sơ đến cho ngân hàng giải ngân (thời gian từ 3-4 ngày).

Cũng theo ông Chính, các chương trình nêu trên chỉ áp dụng cho người dân thường trú tại địa phương, hiện chưa có chương trình vay tiêu dùng đối với công nhân hoặc những người tạm trú trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên nhấn mạnh, hoạt động “tín dụng đen” là nguy cơ gây ra phức tạp về tình hình trật tự xã hội trên địa bàn, do vậy, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền đến tất cả người dân hiểu rõ được tác hại của hoạt động “tín dụng đen”.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo ngành công an tập trung theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi cho vay lãi nặng; đồng thời cũng chỉ đạo cho Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, chủ các doanh nghiệp sử dụng người lao động… để cùng nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu vay vốn, vay tiêu dùng của lực lượng công nhân nhằm đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, tránh tình trạng công nhân, người lao động thu nhập thấp phải tìm đến vay tiền của các đối tượng cho vay lãi nặng.

Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201910/bat-nhom-tin-dung-den-chuyen-cho-cong-nhan-vay-tien-2966465/