'Bắt sóng' công nghệ, lan tỏa sản xuất xanh

Nhiều HTX đang giúp người dân đến gần hơn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nổi lên là mô hình sản xuất lúa gạo quy mô lớn ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ kỹ thuật mới, đồng bộ vào sản xuất trên diện tích 200ha.

Cú hích từ HTX

Những năm gần đây, HTX không còn chạy theo năng suất mà chú trọng nâng cao chất lượng. HTX quan tâm đầu tư giống lúa đặc sản như ST24 để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện, các khâu từ làm đất, cấy, thu hoạch đến vận chuyển, sơ chế, đóng gói đều được HTX ứng dụng máy móc. Đặc biệt, Giám đốc Trần Quang đã tích cực mày mò, nghiên cứu, sáng chế ra máy phun tự động theo mô hình máy bay không người lái giúp phun các dung dịch, thuốc… cho lúa, bắp được thuận lợi hơn.

Nhờ ứng dụng máy móc, năng suất lúa của HTX tăng từ 15-25% so với cách sản xuất truyền thống. Người dân cũng không phải chịu cảnh “chân lấm tay bùn”. Hiện, số hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn của HTX là 94. Thóc sau khi thu hoạch được HTX bao tiêu với giá ổn định từ 20-25 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ giúp HTX giảm nhân công lao động và chi phí đầu tư.

Những năm gần đây, khi vào cao điểm thu hoạch, mỗi tháng HTX xuất ra thị trường khoảng 6 tấn gạo, đa phần đều có đầu mối thu mua sẵn, thành viên không lo đầu ra cho sản phẩm gạo.

Với hiệu quả từ mô hình đang có, Ban giám đốc HTX Xuân Tiến đang hướng đến mục tiêu sẽ tiếp tục liên kết với các HTX, tổ hợp tác khác để nhân rộng, mở rộng diện tích cũng như thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ, máy móc, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng lớn hơn.

Còn tại HTX nông sản OhayO (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La), đơn vị này đã tích cực ứng dụng công nghệ vào trồng một số loại cây ăn quả như na, dâu tây, mận. Ngoài ứng dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX còn đầu tư hệ thống tưới tự động, hệ thống tời để vận chuyển nông sản. Với mong muốn bảo đảm chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng, HTX cũng đã đầu tư xe lạnh hiện đại. Chính vì vậy, OhayO dễ dàng ký được các hợp đồng với siêu thị, doanh nghiệp ở Hà Nội, đầu ra của nông sản cũng thuận lợi hơn.

Đặc biệt, các loại cây trồng đã được HTX này chú trọng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới như ghép cành, rải vụ, ứng dụng nhật ký trồng trọt nên không chỉ nâng cao năng suất mà còn giải quyết tình trạng dội chợ.

Ngay như quả na, trước đây, vụ thu hoạch chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, giá bán trung bình 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Khi áp dụng kỹ thuật rải vụ, na đã cho thu hoạch từ tháng 8 năm nay đến tháng 1 năm sau, giá bán thời điểm trái vụ cao gấp 2 lần chính vụ.

Các HTX đang lan tỏa việc ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp.

Các HTX đang lan tỏa việc ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp.

Thành công của HTX OhayO và Xuân Tiến cho thấy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định hướng phát triển sản xuất bền vững, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các thành viên. Với lộ trình bài bản, hướng đi đúng, các HTX đang có những bứt phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.

Tại xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) hiện không chỉ có HTX OhayO mà còn có 27 HTX khác cũng đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, từ đó lan tỏa những mô hình sản xuất bền vững cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều mô hình sản xuất của các HTX còn góp phần chuyển giao kỹ thuật, tạo chuỗi vệ tinh sản xuất, xây dựng và phát triển thị trường, giúp đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Từ 28 mô hình sản xuất của các HTX, đến nay trong xã Cò Nòi đã có nhiều hộ gia đình trồng cây rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi... theo hướng an toàn bền vững, giảm thiểu đáng kể sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất nhằm cung cấp sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, người dân tại Cò Nòi đã bắt đầu tin tưởng hơn vào cách vận hành, sản xuất của các HTX, từ đó mong muốn được HTX hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Các lao động tại địa phương bước đầu áp dụng những kinh nghiệm được học hỏi trong quá trình canh tác tại các HTX để ứng dụng tại đồng ruộng của gia đình và đã mang lại những tín hiệu đáng mừng về năng suất, mẫu mã.

Sản xuất thích ứng

Thực tế tại địa phương cho thấy, sản xuất nông nghiệp của người dân những năm qua gặp nhiều khó khăn là do vấn đề thời tiết, sâu bệnh ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt trong khi vốn đầu tư cho sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nếu người dân chỉ sản xuất đơn lẻ thì rất khó ứng dụng các khoa học công nghệ hiện đại như hệ thống nhà lưới, nhà kính, các loại máy móc hiện đại... Điều này khiến cho sản lượng, chất lượng nông sản bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Chính vì vậy, việc liên kết cùng nhau áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống như nhiều HTX đang làm đang mang lại những đột phá mới trong sản xuất và giúp nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhờ có những HTX như HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca (Bắc Giang), HTX Xuyên Việt (Hải Dương), HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng), HTX Hoàng Long (Hà Nội)... mà các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các kỹ thuật sản xuất hiện đại ngày càng được phổ biến và nhân rộng tại nhiều địa phương.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2023, trên cả nước đã có gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao.

Việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và mẫu mã nông sản.

Vượt thách thức

Tuy nhiên, để duy trì được việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là điều không hề dễ đối với người dân, HTX. Nhưng nếu không duy trì ứng dụng khoa học công nghệ, HTX cũng khó hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp.

Chị Đoàn Thu Trà, Giám đốc HTX Trường Anh (Cao Bằng) cho rằng muốn ứng dụng khoa học công nghệ, các HTX phải hoàn thiện từ cơ sở vật chất đến trình độ chuyên môn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày một cao từ phía đối tác. Thành viên HTX cũng phải cập nhật liên tục các cây trồng theo xu thế, áp dụng khoa học kỹ thuật, chịu sự giám sát thường xuyên trên đồng ruộng cũng như đảm bảo về việc ghi chép nhật ký đầy đủ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các HTX. Bởi không ít HTX đang không thuận lợi về các nguồn lực như vốn, nhân lực...

Bên cạnh đó, HTX không thể đơn thuần cứ sản xuất sạch là có thể xuất khẩu, cung cấp vào các chuỗi siêu thị, nhà hàng cao cấp, cửa hàng thực phẩm sạch, mà HTX phải liên kết với các doanh nghiệp, HTX khác mới đảm bảo về năng lực tài chính, cơ sở vật chất và chuyên môn để cung ứng và sản xuất.

Theo các chuyên gia, để hướng đến sản xuất bền vững, phát triển HTX công nghệ cao, các HTX, người dân cần chủ động cập nhật xu thế thị trường, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông sản.

Việc chuẩn bị và hoàn thiện giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận đầy đủ theo từng ngành hàng cũng là điều cần làm để các HTX thuận lợi hơn trong tiêu thụ, kết nối với các doanh nghiệp.

Các HTX cũng phải vạch ra lộ trình chiến lược phát triển và phải linh động theo thị trường. Và đặc biệt, phải lấy sản xuất sạch làm kim chỉ nam trong suốt quá trình phát triển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần đẩy mạnh thí điểm và hình thành các đơn vị tư vấn hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học công nghê. Đi đôi với đó là đẩy mạnh kết nối giữa HTX và doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích các tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ vốn sản xuất cho HTX.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/bat-song-cong-nghe-lan-toa-san-xuat-xanh-1098873.html