Bầu cử Đức: EU mong muốn Thủ tướng nào?

Những người đứng đầu chính phủ EU chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về cuộc bầu cử sắp tới của Đức. Tuy nhiên, các chuyên gia và những người trong cuộc đã suy đoán xem mỗi quốc gia có thể thích ứng cử viên thủ tướng nào hơn.

Những ứng viên tranh cử là Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm của bà Angela Merkel, Olaf Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD); Armin Laschet, từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ của Angela Merkel và Annalena Baerbock, ứng cử viên của Đảng Xanh.

Cả ba ứng viên đều không giành nhiều thời gian nói về chính trị châu Âu trong các chiến dịch tranh cử hoặc các cuộc tranh luận trên truyền hình của họ. Đối với EU, kế hoạch của những ứng viên này vẫn còn mơ hồ.

Ứng viên đảng SPD Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: DPA

Bài liên quan

Những cử tri lần đầu bầu cử ở Đức cân nhắc cuộc sống ‘hậu Merkel’

Hôm nay, cử tri Đức bỏ phiếu quyết định người kế nhiệm thủ tướng Merkel

Bầu cử Đức: Những nỗ lực cuối cùng của các ứng viên trước thời khắc quyết định

Cách người Đức chọn thủ tướng như thế nào?

Pháp và Đức cần nhau

Sau cuộc bầu cử Đức, các cuộc đàm phán liên minh có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Cho đến khi những điều này được hoàn tất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chắc chắn sẽ là chính trị gia quyền lực nhất EU.

Pháp sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào nửa đầu năm 2022 và vào tháng 4 năm sau, ông Macron có thể sẽ tái đắc cử.

Cựu Thủ tướng Merkel thường xuyên chần chừ trước những tầm nhìn lớn của ông đối với châu Âu, chẳng hạn như kế hoạch mở rộng các thể chế hoặc nới lỏng chính sách tài khóa. Mối quan hệ của họ chỉ thay đổi gần đây khi các khoản nợ vì đại dịch của EU buộc họ phải làm việc chung với nhau.

Nếu ông Scholz trở thành Thủ tướng, ông Macron có thể dễ dàng thuyết phục Đức tăng cường ngân sách chung. Sau tất cả, ông Scholz tự hào mình là nhà phát minh thực sự của quỹ phục hồi đại dịch dựa trên khoản vay. Ông cũng đồng ý với ông Macron về sự cần thiết của "chủ quyền" châu Âu khi nói đến quốc phòng, chính sách công nghiệp và bảo vệ khí hậu.

Điều tương tự cũng có thể nói đối với ông Laschet. Giống như ông Scholz, đảng viên Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đã đến thăm Điện Elysee trong chiến dịch tranh cử của mình và thể hiện mình là sự pha trộn giữa ông Macron và bà Merkel.

Hôm thứ Ba (21/9), Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune đã chia sẻ một câu ngạn ngữ sẽ luôn phù hợp với mối quan hệ Pháp-Đức: "Ở châu Âu, bạn không bao giờ mạnh một mình ... Chúng tôi không thể làm được nếu không có Đức và Đức không thể làm được nếu không có chúng tôi".

Bất kể ai trở thành Thủ tướng, Paris và Berlin sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, bà Baerbock đã không đến Paris vì "Điện Elysee không phải là nơi để vận động", bà nói.

Lập trường về Ba Lan có thể trở nên khắc nghiệt hơn

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki có thể than thở rằng kỷ nguyên của bà Merkel sắp kết thúc, vì nó có thể biểu thị một lập trường cứng rắn hơn từ Berlin về pháp quyền ở Ba Lan. Ông Morawiecki, một thành viên của Đảng Công lý và Luật pháp (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc, đang mắc kẹt trong tranh chấp liên tục với Ủy ban châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu vì cải cách tư pháp ở Ba Lan đi ngược lại luật pháp châu Âu.

Ông Tomasz Krawczyk, một triết gia và nhà vận động hành lang, người từng cố vấn cho ông Morawecki, nói với DW rằng chính phủ mới của Đức sẽ không chu đáo như bà Merkel, kể cả khi CDU tiếp tục nắm quyền. Theo ông Krawcyk, bà Merkel tỏ ra rất ôn hòa và thấu hiểu với Ba Lan.

Ông Laschet đã đến thăm Ba Lan trong chiến dịch tranh cử của mình và đề cập một cách mơ hồ đến "các giải pháp thực tế" trong vấn đề tranh chấp pháp quyền. Bà Baerbock chắc chắn sẽ tuân theo lập trường cứng rắn mà các đồng nghiệp ở đảng Xanh của bà trong Nghị viện Châu Âu đã đưa ra, phản đối nền chính trị ngày càng chống lại cộng đồng LGBTQ của Ba Lan.

Nhưng bà Baerbock và ông Morawiecki lại có chung quan điểm về một vấn đề khác. Bà chống lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Đức-Nga, mà Ba Lan cũng phản đối.

Trong khi đó, ông Laschet muốn đường ống này đi vào hoạt động, trong khi quan điểm của ông Scholz hơi chung chung.

Các nguyên thủ quốc gia ở Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Malta, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ vui mừng nếu ông Scholz của SPD thay thế đảng CDU, những người đã điều hành nước Đức trong 16 năm. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nhà dân chủ xã hội của châu Âu, những người đang dần hồi phục sau khi phải chịu áp lực rất lớn trong thập kỷ qua.

Ngược lại, các nguyên thủ quốc gia bảo thủ của châu Âu sẽ hối tiếc nếu quốc gia lớn nhất của khối không còn được điều hành bởi CDU trung hữu.

Các chuyên gia nghĩ gì?

Bất kể ai được bầu, Đức sẽ tiếp tục là quốc gia thành viên lớn nhất, mạnh nhất về kinh tế và có ảnh hưởng nhất trong EU. Và như ông Janis Emmanouilidis, Giám đốc Trung tâm Chính sách Châu Âu, nói với DW, có lẽ sẽ không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách EU của Đức.

"Sẽ rất tốt nếu có một dấu hiệu cho thấy châu Âu có thể đi theo hướng nào trong tương lai. Định hướng sẽ là điều đáng mong đợi", ông nói. "Tuy nhiên, tôi không tin tưởng Berlin sẽ sớm cung cấp thông tin đó".

Trong khi đó, các quan chức cho biết mọi thứ sẽ không thay đổi một cách đột ngột. Đầu tiên, chính phủ Đức cũng sẽ hoạt động như bình thường, bất kể ai thắng cuộc bầu cử, vì tất cả các quyết định quan trọng sẽ bị hoãn lại cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Các chuyên gia nói rằng chỉ khi đó, chúng ta mới biết nước Đức đang hướng đến đâu.

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-cu-duc-eu-mong-muon-thu-tuong-nao-post158137.html