Bầu cử Mỹ 2024: Doanh nghiệp, người tiêu dùng ngần ngại 'xuống tiền', có lý do để tạm gác âu lo
Theo các khảo sát và bình luận từ các giám đốc điều hành doanh nghiệp, trong nhiều tháng qua, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã trì hoãn việc mua sắm, đầu tư. Nguyên nhân một phần bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đưa ra các chương trình nghị sự kinh tế nhằm mục đích cải thiện khả năng chi tiêu của người tiêu dùng và củng cố nền kinh tế, nhưng mỗi bên đều có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.
Điều này dẫn đến những tác động khác nhau liên quan đến thuế và lạm phát.
Dù vậy, theo hãng tin CNN, ở thời điểm này, các doanh nghiệp chưa thể hiểu rõ về định hướng chính sách kinh tế của Mỹ ngay lập tức.
Thông tin rõ ràng mà phía doanh nghiệp có thể tiếp cận được là: Quyết định mới nhất về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố vào ngày 7/11.
Fed đã hạ chi phí đi vay vào tháng 9/2024 - lần đầu tiên sau hơn bốn năm - trong khi báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất thêm.
Sự lựa chọn giữa hai thực tế kinh tế khác nhau
Giới chuyên gia dự báo, kết quả của cuộc bầu cử Mỹ sẽ định hình hướng đi của nền kinh tế trong những năm tới, vì vậy, việc hoãn các quyết định quan trọng như mở rộng kinh doanh hoặc mua nhà cho đến sau khi bầu cử là điều khôn ngoan.
Tầm nhìn kinh tế của ông Trump hướng đến những thay đổi mạnh mẽ, chẳng hạn như trục xuất người nhập cư trên diện rộng và áp dụng mức thuế cao trên diện rộng.
Trong khi đó, chương trình nghị sự của bà Harris đề xuất các giải pháp thận trọng hơn, đơn cử như khấu trừ thuế lên tới 50.000 USD cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, nhằm giành được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Mỹ.
Trong khi mục tiêu cuối cùng của cả hai ứng cử viên là cung cấp cho người dân Mỹ và các doanh nghiệp một số gói hỗ trợ kinh tế.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế của The Wall Street Journal cho thấy, 68% số người được hỏi tin rằng, giá cả hàng hóa sẽ tăng nhanh hơn theo kế hoạch của ông Trump so với bà Harris.
Thuế quan cao là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của cựu Tổng thống Trump và đe dọa làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Thuế quan cao hơn có thể sẽ "đánh" vào túi tiền của các doanh nghiệp nhập khẩu có trụ sở tại Mỹ chứ không phải các quốc gia nước ngoài như ông Trump tuyên bố. Điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến lạm phát tiêu dùng nhanh hơn.
Một cuộc khảo sát hàng quý gần đây đối với các giám đốc tài chính trên nhiều ngành do Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) thực hiện cho thấy, gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ đã "hoãn", "thu hẹp quy mô", "trì hoãn vô thời hạn" hoặc "hủy vĩnh viễn" các kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn trong năm nay do sự không chắc chắn về kết quả bầu cử.
Người tiêu dùng ngần ngại khi đưa ra bất kỳ quyết định mua sắm lớn nào, chẳng hạn như mua nhà.
Ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia Mỹ nhận định, sự bất ổn trong cuộc bầu cử có thể là lý do khiến doanh số bán nhà đã qua sử dụng chậm chạp trong những tháng gần đây.
“Có lẽ mọi người chỉ đang chờ xem kết quả bầu cử sẽ như thế nào trước khi đưa ra quyết định quan trọng, như mua nhà hay bán nhà", ông khẳng định.
Fed sẽ giảm lãi suất?
Không chỉ bầu cử Mỹ, thế giới cũng đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới có giảm xuống hay không.
Trước đó, ngày 1/11, các số liệu việc làm mới nhất được chính phủ Mỹ công bố cho thấy, nếu không tính đến ảnh hưởng tạm thời của các cuộc đình công và thiên tai gần đây, thì thị trường việc làm đang hạ nhiệt một cách có trật tự, chứ suy giảm đột ngột.
Trong các bài phát biểu gần đây, các quan chức Fed cam kết giữ thị trường lao động ổn định và cho rằng lãi suất hiện tại vẫn còn quá cao đến mức đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, mặc dù số liệu việc làm tháng 9/2024 tốt hơn dự đoán, nhưng thị trường này nhìn chung không có dấu hiệu sẽ tăng nóng trở lại.
Như vậy, có khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tuần này. Các nhà đầu tư đang dự đoán gần như chắc chắn rằng, ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Lãi suất thấp hơn có thể thu hút những người mua nhà đang do dự quay trở lại thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất cho phép họ tiếp tục triển khai các kế hoạch đã được xây dựng dựa trên dự đoán lãi suất thấp.
Như vậy, trong tuần này, gần như những nỗi lo của người dân, doanh nghiệp Mỹ và cả thế giới sẽ bắt đầu được gỡ bỏ.