Bầu cử Mỹ còn 3 ngày: Hai ứng viên đang 'chạy nước rút', nhiều cử tri vẫn chưa quyết định

Theo cuộc thăm dò toàn quốc mới của HarrisX/Forbes công bố hôm thứ Năm vừa rồi, Phó Tổng thống Kamala Harris có lợi thế sít sao so với cựu Tổng thống Donald Trump với chỉ 1% - khoảng cách rất mong manh trước thềm Ngày bầu cử Mỹ 2024 (5/11)

Bám đuổi sít sao

Cụ thể, bà Harris dẫn trước Trump với tỷ lệ 49%-48% trong số những cử tri tiềm năng, với 2% ủng hộ ứng cử viên độc lập Cornel West và 1% ủng hộ Jill Stein của Đảng Xanh.

Vẫn còn chỗ cho cuộc đua thay đổi, ngay cả khi chỉ còn vài ngày nữa: Khoảng 10% cử tri tiềm năng và 16% tổng số cử tri đã đăng ký vẫn đang cân nhắc lựa chọn của mình, bao gồm 14% cử tri ở các bang chiến trường.

Công cụ theo dõi National Polls của FiveThirtyEight cũng cho thấy bà Harris vẫn duy trì vị trí dẫn đầu toàn quốc với khoảng cách chỉ là 1,2% tính đến thứ Năm. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu này đã dần giảm và nằm trong phạm vi sai số, cho thấy một cuộc đua có tính cạnh tranh cao.

Quan trọng hơn, kết quả thực ra lại sẽ được quyết định tại các bang chiến trường, nơi cũng đang diễn ra các cuộc đua rất quyết liệt. Các bang chiến trường chính bao gồm Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Michigan, Arizona, Wisconsin và Nevada.

 Đồ họa: AJ

Đồ họa: AJ

Công cụ theo dõi cuộc thăm dò hàng ngày của FiveThirtyEight cho thấy rằng vị trí dẫn đầu của bà Harris ở Michigan vẫn còn nhỏ, ở mức khoảng 0,8%. Tuy nhiên, bà đã mất vị trí dẫn đầu ở Nevada, nơi ông Trump hiện đang dẫn trước 0,3 điểm.

Tại Wisconsin, khoảng cách dẫn trước của bà đã giảm xuống còn 0,6 điểm, so với mức 0,8 điểm vào thứ Tư. Mặt khác, lợi thế của Trump ở Pennsylvania đã tăng nhẹ, tăng từ 0,4 điểm lên 0,7 điểm.

Lợi thế dẫn trước của ông ở Bắc Carolina đã trở lại mức của tuần trước, hiện ở mức 1,4 điểm. Ông Trump cũng đang giành được lợi thế ở Arizona, nơi ông dẫn trước Harris 2,4 điểm, và ở Georgia, nơi ông dẫn trước 1,8 điểm.

Hai ứng viên đang làm gì?

Chiến dịch tranh cử của Harris vào thứ Năm tập trung vào những gì ông Trump đã nói trước đó tại một cuộc vận động tranh cử ở Green Bay, Wisconsin, nơi ông kể rằng ông có ý định "bảo vệ phụ nữ đất nước chúng ta". Ông nói: “Tôi sẽ làm điều đó bất kể phụ nữ có thích hay không”.

Phát biểu với các phóng viên vào thứ Năm, bà Harris chỉ trích những phát biểu đó là "mang tính xúc phạm". Bà Harris phát biểu trước khi bắt đầu một ngày vận động tranh cử tại các bang chiến trường phía tây nước Mỹ là Arizona và Nevada.

 Hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đang so kè quyết liệt trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: GI

Hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump đang so kè quyết liệt trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: GI

Trong khi đó, ở cuộc vận động đầu tiên của mình tại New Mexico vào thứ Năm, ông Trump đã kêu gọi đám đông bỏ phiếu cho ông, hứa sẽ giải quyết vấn đề biên giới. Tiểu bang này, với 5 phiếu của Đại cử tri đoàn, được kỳ vọng rộng rãi sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.

“Một trong những lý do chúng ta sẽ giành chiến thắng ở bang này là vì bang này có một trong những vấn đề biên giới tồi tệ nhất, và tôi là người duy nhất có thể giải quyết được vấn đề đó”, ông nói.

Tại Henderson, Nevada, ông Trump cáo buộc bà Harris thực hiện chính sách biên giới lỏng lẻo và hứa sẽ thực hiện chương trình trục xuất hàng loạt nếu ông được bầu. Ông cũng gọi bà Harris là "khủng khiếp, tệ nhất", đồng thời kêu gọi những người ủng hộ ông bỏ phiếu sớm.

Tại Nevada, nhiều người ủng hộ ông đã mặc áo lao công. Lựa chọn thời trang này được đưa ra một ngày sau khi ông Trump mặc một bộ trang phục tương tự để thu hút sự chú ý đến những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden cho rằng những người ủng hộ ông là "rác rưởi".

Hai ứng viên sẽ có động thái gì tiếp theo?

Bà Harris đã đến Wisconsin, nơi bà dự kiến sẽ tổ chức một sự kiện tại khu vực Appleton, tiếp theo là một sự kiện khác tại Milwaukee. Cuộc mít tinh và hòa nhạc ở Milwaukee có sự biểu diễn của nhiều ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng.

Tổng thống Joe Biden sẽ tới Philadelphia và vào thứ Bảy, tới quê hương Scranton của ông, cả hai đều thuộc bang chiến trường Pennsylvania, nơi ông sẽ hướng tới mục tiêu tiếp thêm sinh lực cho cử tri tại bang vô cùng quan trọng này. Trong khi đó, ứng cử viên phó tổng thống Đảng Dân chủ Tim Walz dự kiến cũng sẽ vận động tranh cử tại bang chiến trường Michigan.

Ông Donald Trump đã đến thăm Dearborn, Michigan - nơi có cộng đồng người Ả Rập đông nhất cả nước - vào thứ Sáu, nơi ông dự kiến sẽ tổ chức một cuộc mít tinh tại Cao đẳng Cộng đồng Macomb ở Warren. Khi số phiếu bầu của người Mỹ gốc Ả Rập ở Michigan tăng lên theo từng năm, nó đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các cuộc bầu cử.

Thị trưởng Dearborn Abdullah Hammoud, người từng phục vụ trong cơ quan lập pháp bang này với tư cách là đảng viên Dân chủ, tuyên bố không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào, thay vào đó kêu gọi người dân "bỏ phiếu theo lương tâm".

Bùi Huy (theo AJ, Forbes)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-cu-my-con-3-ngay-hai-ung-vien-dang-chay-nuoc-rut-nhieu-cu-tri-van-chua-quyet-dinh-post319614.html