Bầu cử Mỹ và bước ngoặt sau cái chết của nữ thẩm phán tối cao

Cuộc đua đến Nhà Trắng đang gặp phải tác động lớn từ sự ra đi của bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán Tòa án Tối cao, tại thời điểm ngày bầu cử đang đến gần và kịch tích hơn bao giờ hết.

Cuộc đua đến Nhà Trắng đang gặp phải tác động lớn từ sự ra đi của bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán Tòa án Tối cao, tại thời điểm ngày bầu cử đang đến gần và kịch tích hơn bao giờ hết.

Thẩm phán 87 tuổi Ruth Bader Ginsburg, một biểu tượng cấp tiến và người mang tiêu chuẩn nữ quyền, qua đời hôm 18-9 (giờ Mỹ) tại nhà riêng ở thủ đô Washington. Bà là người phụ nữ thứ hai từng ngồi vào Tòa án Tối cao. Người ủng hộ bà tập trung bên ngoài tòa án để bày tỏ lòng kính trọng đối với người phụ nữ được mọi người trìu mến gọi là “RBG khét tiếng”. Cái chết của bà Ginsburg đã tạo thêm một yếu tố bất ổn mới cho cuộc đua tổng thống, với những câu hỏi về ý nghĩa của nó với cuộc chiến giành phiếu bầu của phụ nữ vốn đã căng thẳng.

Tại cuộc vận động tranh cử ở Fayetteville, Bắc Carolina, hôm 19-9, Tổng thống Trump nói sẽ đề cử một phụ nữ thay thế cố thẩm phán Ginsburg (ảnh nhỏ).

Tại cuộc vận động tranh cử ở Fayetteville, Bắc Carolina, hôm 19-9, Tổng thống Trump nói sẽ đề cử một phụ nữ thay thế cố thẩm phán Ginsburg (ảnh nhỏ).

Những ứng viên tiềm năng

Barbara Lagoa - là người Mỹ gốc Cuba của Tòa phúc thẩm Khu vực 11, trụ sở tại Atlanta và là thẩm phán gốc Tây Ban Nha đầu tiên tại Tòa án tối cao Florida. Bà là một cựu công tố viên liên bang.

Amy Coney Barrett - thành viên của Tòa phúc thẩm Khu vực 7, trụ sở tại Chicago, bà là người được những người bảo thủ tôn giáo yêu thích và được biết đến với quan điểm chống phá thai.

Kate Comerford Todd - phó Cố vấn Nhà Trắng và từng là Phó chủ tịch cấp cao và Luật sư trưởng, Trung tâm Tố tụng Phòng vệ Mỹ.

Cơ hội cho ông Trump

Theo các chuyên gia, lợi thế lớn đang đặt trong tay Tổng thống Donald Trump khi ông có cơ hội bổ nhiệm thẩm phán thứ 3 vào Tòa án Tối cao chỉ vài tuần trước ngày bầu cử.

Tổng thống Trump, người các cuộc thăm dò cho thấy đang dần mất đi sự ủng hộ của phụ nữ có trình độ đại học kể từ khi ông đắc cử, đã có động tác thu hút phiếu của giới ông gọi là “bà nội trợ ngoại ô”. Và tất nhiên, nếu ứng viên của đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện là một phụ nữ, đây cũng có thể là cách để ông chủ Nhà Trắng thu hút nữ cử tri. Và không bỏ lỡ cơ hội này, trong tuyên bố hôm 20-9 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump nói tuần tới sẽ đề cử một phụ nữ thay thế cố thẩm phán Ginsburg. “Tôi sẽ đề cử một ứng cử viên vào tuần tới. Đó sẽ là một phụ nữ”, ông Trump nói tại cuộc vận động tranh cử ở Fayetteville, Bắc Carolina, hôm 19-9. Một số người ủng hộ hô vang: “Hãy lấp đầy vị trí đó!” khi ông Trump phát biểu, thúc giục ông tận dụng cơ hội hiếm hoi để đề cử một thẩm phán thứ 3 trong nhiệm kỳ tổng thống, cho một vị trí trọn đời tại tòa án.

Đáp lại, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, nói quyết định về người thay thế bà nên đợi cho đến sau cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, vì sự cân bằng ý thức hệ của tòa án 9 thành viên rất quan trọng đối với phán quyết của tòa về các vấn đề quan trọng nhất trong luật nên Tổng thống Trump tuyên bố sẽ “không chậm trễ”, động thái khiến các đảng viên Dân chủ tức giận. Họ lo ngại, đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu để đảm bảo đa số bảo thủ kéo dài hàng thập kỷ trong tòa án cao nhất của đất nước.

Tại sao việc bổ nhiệm gây tranh cãi?

Rõ ràng, cuộc đua đến Nhà Trắng đang gặp phải tác động lớn từ sự ra đi của bà Ginsburg, tại thời điểm ngày bầu cử đang đến gần và kịch tích hơn bao giờ hết. Cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ đang tranh cãi gay gắt quanh việc bổ nhiệm người thay thế bà. Bởi trên thực tế, việc bổ nhiệm các thẩm phán ở Mỹ là một câu hỏi chính trị, có nghĩa là tổng thống được quyền lựa chọn người được để cử. Thượng viện sau đó bỏ phiếu để xác nhận - hoặc từ chối - lựa chọn đó.

Bà Ginsburg, người đã phục vụ trong 27 năm, là một trong những thẩm phán cấp tiến trên băng ghế 9 thẩm phán. Cái chết của bà có nghĩa là, nếu đảng Cộng hòa thông qua đề cử, cán cân quyền lực sẽ chuyển hẳn sang phe bảo thủ. Ông Trump, người đã chọn hai thẩm phán của Tối cao Pháp viện trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhận thức rõ rằng việc đưa người được đề cử của ông vào sẽ cho phép phe bảo thủ kiểm soát các quyết định quan trọng trong nhiều thập kỷ tới. Thẩm phán có thể phục vụ suốt đời, trừ khi họ quyết định nghỉ hưu. Tuy nhiên, đảng viên Dân chủ phản đối mạnh mẽ bất kỳ đề cử nào trước cuộc bầu cử vào tháng 11, lập luận, đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện từng ngăn cản sự lựa chọn của Tổng thống Dân chủ Barack Obama cho tòa án hàng đầu của Mỹ năm 2016.

Hồi năm 2016, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa McConnell lập luận rằng, người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn Thẩm phán Tối cao Pháp viện kế tiếp, có nghĩa là “vị trí này không nên được lấp đầy cho đến khi chúng ta có tổng thống mới”. Nhưng giờ đây, ông McConnell nói rằng, Thượng viện có quyền hành động vì nó do đảng Cộng hòa kiểm soát và ông Trump là tổng thống của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ bắt đầu lặp lại những lời của ông McConnell năm 2016.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_231766_bau-cu-my-va-buoc-ngoat-sau-cai-chet-cua-nu-tham-p.aspx