Bầu cử Singapore giữa đại dịch: Thách thức đe dọa thắng lợi của đảng cầm quyền PAP?
Cuộc tổng tuyển cử tại Singapore hôm 10/7 là sự kiện bầu cử đầu tiên tại Đông Nam Á trong kỷ nguyên dịch bệnh,
SCMP đưa tin, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, hôm thứ 6 (10/7), cuộc tổng tuyển cử của Singapore đã diễn ra. Các cử tri được yêu cầu đeo khẩu trang và tuân thủ loạt quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8h sáng tới 8 giờ tối.
Giống như trong quá khứ, việc kiểm phiếu theo mẫu để dự đoán sớm về kết quả bằng cách kiểm 100 phiếu tại mỗi điểm bỏ phiếu, có thể sẽ được bắt đầu trước 10h sáng.
Tính tới thời điểm chiến dịch tranh cử kết thúc (8/7), giới phân tích địa phương đồng loạt nhận định, đảng cầm quyền Đảng Hành động vì Nhân dân (PAP) sẽ dễ dàng tiếp tục sự lãnh đạo đất nước đã kéo dài 61 năm của mình.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Lý Hiển Long đã kêu gọi bỏ phiếu sớm ngay sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng vì đại dịch COVID-19. Lý do chính ông đưa ra là nhu cầu cấp bách phải đổi mới PAP trong giai đoạn được ông miêu tả là "cuộc khủng hoảng thế hệ". Nhiệm kỳ hiện tại của chính phủ sẽ kết thúc vào tháng 1 năm sau.
Theo SCMP, có 2,65 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu tại 1.100 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc đảo. Người dân sẽ chọn ra 93 nghị sỹ từ 17 khu vực đại diện – nhằm đảm bảo sự hiện diện đa sắc tộc trong quốc hội nước này. Người gốc Hoa chiếm đa số trong dân số 5,7 triệu người tại Singapore. Việc đi bỏ phiếu là bắt buộc và trong hai kỳ bầu cử gần nhất, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lên tới 93%.
Trong kỳ quốc hội trước, đảng PAP đã giành được 83 trên 89 ghế. Các ứng viên của họ được trải đều trong 17 khu vực đại diện. Theo quy định được áp dụng từ năm 1984 để chắc chắn các đảng không cầm quyền cũng có tiếng nói trong quốc hội, hiến pháp Singapore cho phép tới 12 nghị sỹ không nằm trong các khu vực đại diện – những người được gọi là "kẻ thất bại xuất sắc nhất" từ phe đối lập.
Giai đoạn chiến dịch tranh cử 9 ngày kết thúc đúng 24h trước "giai đoạn làm nguội" cho tới khi bỏ phiếu diễn ra, hóa ra lại gay gắt hơn nhiều so với những dự đoán trước đó của giới quan sát.
Do các cuộc mít tinh và vận động tranh cử đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp đều bị cấm, phần lớn hoạt động thuyết phục cử tri đều được thực hiện trực tuyến. PAP và phe đối lập – do 3 đảng thay phiên nhau lãnh đạo là Đảng Nhân dân, Đảng Tiến bộ Singapore (PSP) và Đảng Dân chủ Singapore, lại đối đầu căng thẳng với nhau về nhiều vấn đề như sắc tộc và tôn giáo, tin tức giả và phản ứng của PAP trước dịch bệnh COVID-19.
Đảng Nhân dân với 6 nghị sỹ là đại diện duy nhất của phe đối lập trong quốc hội trước, được đánh giá sẽ trở thành một thách thức cho PAP trong cuộc đua giành số ghế, đặc biệt tại các khu vực đại diện như Sengkang và East Coast.
Sự chú ý đặc biệt dồn vào khu vực East Coast, sau khi Phó Thủ tướng đồng thời được coi là người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Heng Swee Keat đưa ra quyết định rời bỏ một khu vực an toàn hơn để tranh cử tại đây.
Theo một số chuyên gia, mục đích của động thái trên là nhằm chứng tỏ ông Heng – một cựu quan chức ngân hàng, có đủ năng lực cần thiết chính trị để dẫn dắt PAP và đất nước Singapore.
Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với tỷ lệ 69,9%, khu vực East Coast từng là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất mà PAP phải trải qua. Chỉ có 60,7% cử tri nơi đây bỏ phiếu ủng hộ PAP chính là tỷ lệ thấp nhất trong số những chiến thắng khu vực của đảng.
Cử tri Singapore sẽ phải đối mặt với những thủ tục chưa từng có trong tiền lệ tại các điểm bỏ phiếu. Trước khi vào cửa họ sẽ bị đo nhiệt độ và những người có nhiệt độ trên 37,5 độ sẽ bị từ chối cho vào.
Cục Bỏ phiếu cũng áp dụng quy trình đăng ký "không tiếp xúc" với cử tri không cần phải có những tiếp xúc trực tiếp với nhân viên bầu cử.
Trước khi vào buồng bỏ phiếu, cử tri sẽ được yêu cầu rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang dùng một lần. Họ có thể sử dụng loại bút đặc biệt được cung cấp sẵn hoặc bút của mình tự mang theo, để đánh dấu "X" vào phần hộp vuông ghi cạnh tên ứng viên họ ủng hộ trên lá phiếu.
Các biện pháp phòng dịch khác bao gồm cử tri có thể tới bỏ phiếu theo những khoản thời gian đề xuất và người cao tuổi được ưu tiên bỏ phiếu vào buổi sáng. Số lượng các điểm bỏ phiếu được tăng cường từ 880 trong kỳ bầu cử trước lên 1.100 điểm, với mục đích hạn chế tình trạng tụ tập đông người. 6.570 cử tri ở nước ngoài cũng có thể bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu đặt ở 10 thành phố trên khắp thế giới là Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải, New York, London, Washington, Dubai, Canberra, Tokyo và San Francisco.
Cuộc bầu cử tại Singapore là sự kiện bầu cử đầu tiên tại Đông Nam Á trong kỷ nguyên dịch bệnh, sau khi Hàn Quốc và Mông Cổ tổ chức bỏ phiếu với một loạt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.