Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đua sít sao

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng, cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang 'dốc toàn lực' cho những bang chiến trường quan trọng.

Những ngày vận động cuối cùng của ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Những ngày vận động cuối cùng của ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Không có cách biệt lớn

Lịch trình vận động tranh cử của cả hai ứng viên đều dày đặc tại các bang chiến trường như Georgia, North Carolina, Michigan, Virginia và Pennsylvania. Trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris gửi thông điệp về sự đoàn kết và bảo vệ nền dân chủ, thì đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa tiếp tục thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết”, cùng những tuyên bố mạnh mẽ về cải tổ chính quyền. Đáng chú ý, tại Wisconsin, hai ứng viên đã tổ chức các cuộc mít tinh chỉ cách nhau vài kilômét.

Các kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 2-11, chỉ 3 ngày trước ngày bầu cử cho thấy, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang bám đuổi sát nút tại 7 bang chiến địa. Cụ thể, bà Kamala Harris dẫn trước ở bang Nevada, Georgia, Michigan và Wisconsin trong khi ông Donald Trump dẫn trước ở Arizona và North Carolina. Hai ứng viên về cơ bản ngang nhau ở Pennsylvania và điều này có nghĩa là cuộc cạnh tranh quyết liệt nhất sẽ diễn ra ở đây. Theo báo The Hill và tổ chức Decision Desk HQ (DDHQ), không ứng cử viên nào có cách biệt lớn hơn 2% ở bất kỳ bang nào trong 7 bang chiến trường.

Theo kết quả thăm dò mới nhất của 538/ABC News, bà Kamala Harris dẫn trước ông Donald Trump với tỷ lệ 48% so với 47%. Còn theo kết quả thăm dò của New York Times, bà Kamala Harris dẫn trước ông Donald Trump với tỷ lệ 49% so với 48%. Không có ứng viên nào chiếm trên 50% tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, kết quả bầu cử Mỹ phụ thuộc vào hệ thống đại cử tri đoàn và tất cả các số liệu thăm dò đều nằm trong biên độ sai số, cho thấy khả năng không chính xác.

Các mốc chính

Ngày 5-11: Ngày bầu cử

25-11: Ngày cuối cùng để 17 tiểu bang và Đặc khu Columbia cho phép nhận phiếu bầu qua đường bưu điện.

17-12: Các đại cử tri họp tại các tiểu bang tương ứng để bầu ra tổng thống và phó tổng thống.

25-12: Hạn chót gửi phiếu đại cử tri đến Chủ tịch Thượng viện.

6-1-2025: Phó tổng thống chủ trì cuộc kiểm phiếu đại cử tri tại phiên họp chung của Quốc hội, sau đó công bố kết quả và tuyên bố người trúng cử.

20-1-2025: Tổng thống và phó tổng thống đắc cử nhậm chức.

Số tiền tài trợ của hai bên

Theo Financial Times, có ít nhất 144 nhân vật trong danh sách 800 tỷ phú Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn đã chi tiền cho các chiến dịch gây quỹ tranh cử. Từ tháng 1-2023 đến giữa tháng 10-2024, các nhóm ủng hộ Tổng thống Joe Biden và sau đó là Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được 2,2 tỷ USD để tiếp sức cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, trong khi con số này của cựu Tổng thống Donald Trump vào khoảng 1,7 tỷ USD.

 Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm Ảnh: EPA

Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm Ảnh: EPA

Trong số các tỷ phú tài trợ, đáng chú ý nhất là tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX. Hai cuộc bầu cử tổng thống gần nhất, tỷ phú này ủng hộ và quyên góp cho các ứng viên đảng Dân chủ thì nay đã chuyển sang ủng hộ ông Donald Trump. Các tỷ phú Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Tim Cook hay Warren Buffett không công khai ủng hộ hoặc chi tiền cho bất kỳ bên nào.

Tính tới ngày 3-11, đã có 75 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm. Truyền thông Mỹ nhận định, rất khó dự đoán kết quả của cuộc bầu cử nếu chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm do còn phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng. Người Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, mà ủy quyền cho 538 đại cử tri bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông, nhằm đảm bảo tiếng nói cho các bang thưa dân. Người thắng cuộc là người đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri từ 538 đại cử tri đoàn.

Hai ứng viên, hai tầm nhìn

Không chỉ người dân Mỹ hồi hộp chờ một tổng thống mới, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được thế giới đặc biệt quan tâm bởi kết quả sẽ tác động trực tiếp đến nhiều điểm nóng địa chính trị hiện nay.

Theo tờ Foreign Policy, tại Ukraine, kết quả bầu cử có thể tác động mạnh mẽ đến viện trợ quân sự từ Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng trong khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga. Bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Washington đều có thể ảnh hưởng đến cán cân quân sự trên chiến trường và tiến trình đàm phán hòa bình. Hiện ông Donald Trump và bà Kamala Harris có những tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về cách giải quyết cuộc xung đột này. Trong khi ông Trump có thể theo đuổi một thỏa thuận nhanh chóng nhưng nguy cơ gây bất lợi cho Ukraine, bà Harris nhiều khả năng sẽ duy trì sự ủng hộ hiện tại nhưng phải đối mặt với những thách thức về nguồn lực và sự ủng hộ từ Quốc hội.

Liên quan Trung Đông, bà Harris đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel trong cuộc xung đột với Hamas, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường ở Gaza và kêu gọi tăng viện trợ nhân đạo. Bà Harris cam kết thúc đẩy ngừng bắn và hướng tới giải pháp hai nhà nước, trong đó quyền lợi của người Palestine được tôn trọng. Về phần mình, ông Trump chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đương nhiệm, cho rằng điều này đã kéo dài cuộc chiến và làm gia tăng tình trạng bạo lực. Cựu Tổng thống ủng hộ quyền tự vệ của Israel và khuyến khích nước này “hoàn tất công việc” trong cuộc chiến chống lại Hamas, đồng thời tuyên bố nếu đắc cử sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Israel.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, bà Harris đã thể hiện một lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên. Nếu trúng cử, bà Harris dự kiến sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Tổng thống Biden, cùng với đó là kế hoạch củng cố quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tạo mặt trận thống nhất để ứng phó các hành động từ Triều Tiên. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Trump đã thực hiện một số cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump có thể khôi phục chính sách này, mặc dù đảng Cộng hòa năm 2024 không đề cập cụ thể đến vấn đề Triều Tiên.

PHƯƠNG NAM

THANH HẰNG tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bau-cu-tong-thong-my-cuoc-dua-sit-sao-post766657.html