Bầu cử Tổng thống Mỹ 'nóng' hơn vì Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp nước Mỹ. Ở giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như hiện nay, các giải pháp giúp xoa dịu mối lo dịch bệnh không của riêng ai, không của riêng quốc gia nào, hoàn toàn có thể giúp các ứng cử viên bứt phá trên đường đua…

Ngay ngày hôm sau (14-3), với tỷ lệ áp đảo, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ chống dịch Covid-19. Các động thái này được hy vọng có thể hạn chế những tổn hại đối với nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, kinh tế Mỹ có thể lâm vào suy thoái trước đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người và 138.000 người nhiễm trên toàn thế giới.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia, do Tổng thống Donald Trump công bố nhằm huy động tối đa các nguồn lực đối phó với đại dịch, được hy vọng sẽ giúp Mỹ huy động 50 tỷ USD cho các nỗ lực chung chống lại dịch Covid-19. Theo đó, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, các bệnh viện, nhân viên y tế sẽ có quyền sử dụng linh hoạt các nguồn lực để ứng phó với đại dịch. Họ sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định về thời gian các bệnh nhân nằm viện cũng như số lượng giường bệnh ở các bệnh viện…

 Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: AP.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: AP.

Còn dự luật hỗ trợ chống dịch Covid-19 cho phép cung cấp các xét nghiệm miễn phí và chi trả tiền lương cho các lao động trong thời gian nghỉ ốm do đại dịch. Những người bị ảnh hưởng bởi Sars-CoV-2 được nghỉ phép hai tuần vẫn hưởng lương và cung cấp cho các doanh nghiệp một khoản tín dụng để trang trải chi phí. Công nhân có thể được nghỉ 3 tháng không lương nếu họ bị cách ly hoặc cần chăm sóc các thành viên trong gia đình bị mắc bệnh…

Sau khi dự luật được thông qua ở Hạ viện, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật này. Đây được coi là tín hiệu cho thấy dự luật hỗ trợ chống Covid-19 có thể sẽ được Thượng viện thông qua vào tuần tới. Trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, toàn bộ các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện ủng hộ, trong khi 40 nghị sĩ Cộng hòa phản đối.

Cùng với các quyết định nói trên, Tổng thống Donald Trump yêu cầu tất cả các bang lập tức thành lập các trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp, đề nghị các bệnh viện kích hoạt kế hoạch chuẩn bị nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi công dân Mỹ trong cơn đại dịch. Ông thông báo trước mắt sẽ cải thiện việc xét nghiệm virus trên cả nước, bao gồm mở rộng các điểm thử virus cho người dân tại các siêu thị và trung tâm bán lẻ. Nhà Trắng cũng đang phối hợp với Google nhằm phát triển một trang web cung cấp thông tin về dịch Covid-19 cho người dân.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump trong nhiều tuần qua phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ của các thành viên quốc hội, các nhân viên y tế cộng đồng về tốc độ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cũng như không có đủ bộ xét nghiệm virus để phục vụ người dân. Kể từ tháng 1, khi dịch bùng phát, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và các phòng thí nghiệm y tế cộng đồng của Mỹ mới tiến hành 13.600 xét nghiệm.

Trong nhiều tuần qua, chính quyền Washington đã cố gắng trấn an dư luận khi khẳng định Mỹ có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, vì số ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh tại các thành phố và tiểu bang của Mỹ, báo hiệu khả năng khó có thể kiểm soát được.

Hiện đại dịch toàn cầu Covid-19 đã nổi lên là vấn đề nóng nhất trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra. Các động thái nhằm chứng tỏ nỗ lực của chính quyền ứng phó với đại dịch của Tổng thống Donald Trump có thể giúp ông cải thiện phần nào hình ảnh trước các cử tri, nhất là khi các đối thủ ở phe Dân chủ đang xoáy vào vấn đề chống Covid-19 để công kích đương kim Tổng thống.

Hiện nay, cả hai ứng cử viên tiềm năng của phe Dân chủ là cựu Phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ cánh tả bang Vermont Bernie Sanders đều đang nhấn vào các kế hoạch hành động ứng phó với đại dịch Covid-19 trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Trong đó, ông Joe Biden được cho là có điểm cộng nhờ khả năng kiểm soát khủng hoảng vốn được đánh giá cao, vì đã có kinh nghiệm 25 năm làm việc trong chính phủ ở cương vị thượng nghị sĩ và phó tổng thống.

Tại Washington, nơi đang đương đầu với nhiều rủi ro nhất vì đại dịch, ông Biden được dự đoán sẽ là lựa chọn hàng đầu của những cử tri. Trong các cuộc thăm dò dư luận, ông có lợi thế hơn hẳn so với đối thủ Bernie Sanders với tỷ lệ 41-25. Tại Michigan, khi hỏi về ứng viên được tin tưởng có khả năng xử lý khủng hoảng tốt hơn, một nửa số người tham gia đã lựa chọn ông Joe Biden, trong khi chỉ có 32% số phiếu dành cho ông Bernie Sanders.

Hiện nay, nhiều bang tại Mỹ bao gồm cả thủ đô Washington đã quyết định đóng cửa các trường học từ nay tới cuối tháng và học sinh sẽ được học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 đang tiếp tục lan rộng. Mỹ hiện đã xác nhận hơn 1.700 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 41 người đã tử vong do virus này.

Ngày 13-3, Lầu Năm góc thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động đi lại trong nước (trừ một số trường hợp ngoại lệ) đối với các quân nhân, nhân viên của bộ và gia đình của họ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16-3 và kéo dài đến ngày 11-5. Cùng ngày, Cục An toàn vận tải hành khách liên bang Mỹ (FMCSA) đã ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn quốc, theo đó, loại bỏ các yêu cầu dịch vụ rườm rà đối với những lái xe chở các đồ cứu trợ khẩn cấp chống dịch. Đây là lần đầu tiên FMCSA ban hành lệnh khẩn cấp trên toàn quốc.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bau-cu-tong-thong-my-nong-hon-vi-covid-19-612313