Bẫy giao thông trên cầu Vĩnh Tuy: Nhà thầu 'chống' lệnh khắc phục?
Mặc dù được Sở GTVT Hà Nội yêu cầu có giải pháp hơn 10 ngày nay, nhưng gần 10 vị trí công trường thi công sửa và hoàn thiện khe co giãn nhô cao hơn mặt đường trên cầu Vĩnh Tuy vẫn nằm còn nguyên, gây nguy cơ mất an toàn giao thông
Hôm nay (16/4) tròn 2 tuần báo Tiền Phong có bài phản ánh về những tấm sắt che đậy công trường sửa khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy nhô cao hơn mặt đường từ 10 đến 20 cm, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Đặc biệt vào những hôm trời mưa, ngoài như những ụ nổi không có gờ giảm tốc độ cao hơn mặt đường, các tấm bản thép này còn rộng khoảng 2 mét, dài trên 5 mét nên khi xe máy leo lên rất dễ xảy ra trơn trượt, đổ xe. Với ô tô, do những tấm bản thép như những ụ nổi nằm cao hơn mặt đường rất dễ khiến tài xế bị lạng tay lái.
Đội CSGT số 4 và số 5 Phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ khi đơn vị thi công tiến hành sửa chữa mặt cầu Vĩnh Tuy (cụ thể là từ ngày 25/2) và dùng các tấm bản thép bản lớn che đậy vị trí sửa chữa các khe co giãn tình trạng vụ va chạm, đổ xe máy khi gặp trời mưa xảy ra nhiều hơn.
Đặc biệt, trong thời gian này đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người. Cụ thể, đêm 12/4, một ô tô bán tải đã mất mái đâm vào thành cầu, làm một người ngồi trên xe tử vong; trước đó, rạng sáng ngày 6/3 một nam thanh niên điều khiển xe máy cũng bị mất lái khiến cả xe và người ngã, hậu quả nam thanh niên tử vong tại chỗ.
“Các vị trí tấm bản thép phục vụ thi công đang lắp đặt quá cao so với mặt đường, về ban đêm hoặc trời mưa rất nguy hiểm với người tham gia giao thông nếu không kịp phát hiện. Với các tấm thép đặt trên chiều cầu từ Hà Nội đi Long Biên đã 2 tuần này những chưa thấy tháo dỡ”, thượng tá Lê Văn Hoan - Đội trưởng Đội CSGT số 4 Phòng CSGT Hà Nội cho biết.
Trước thực tế trên, ngày 3/4 báo Tiền Phong đã ảnh phản tình trạng trên đến Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu), Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư). Tiếp nhận thông tin ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc Ban Duy tu cho biết, sẽ yêu cầu nhà thầu thi công là Công ty CP Cơ khí 41 Thăng Long kiểm tra, có giải pháp chấn chỉnh.
Cùng với đó, ông Giang cũng thông tin, để thay các khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy, nhà thầu phải mất thời gian để tháo và lắp đặt khe co giãn mới, sau đó trước khi cho các phương tiện lưu thông bình thường đơn vị thi công phải dùng các tấm thép để che đậy chờ đông cứng khoảng 2 đến 3 ngày. Hết thời gian này, nhà thầu phải hoàn trả mặt đường để đảm bảo giao thông.
Nhà thầu “chống” lệnh?
Vậy nhưng ghi nhận trên cầu Vĩnh Tuy ngày 16/4, những tấm thép được lắp tại vị trí cột đèn từ số 16 theo chiều Hà Nội - Long Biên đã tồn tài từ thời điểm Phóng viên ghi nhận và phản ánh đến Ban Duy tu là ngày 3/4, đến hôm nay đã là ngày 16/4 (13 ngày) gần 10 vị trí tấm thép thi công sửa và hoàn thiện khe co giãn cầu Vĩnh Tuy vẫn nằm chình ình trên cầu Vĩnh Tuy. Trong 2 ngày qua, PV Tiền Phong tiếp tục có phản ánh tình trạng nay đến Ban Duy tu, tiếp nhận thông tin ông Nguyễn Đức Giang cho biết, sẽ kiểm tra và yêu cầu nhà thầu xử lý.
Được biết, các công trình thi công đảm bảo giao thông đã được thành phố Hà Nội có Văn bản đồng ý cho thi công trở lại từ ngày 3/4 theo Chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó, với việc một số dự án duy tu, sửa chữa đường gây ùn tắc giao thông và xảy ra một số vụ tai nạn trong đó có cầu Vĩnh Tuy, giữa tháng 3/2020 Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn đã ký văn bản yêu cầu Ban Duy tu và các đơn vị thi công có giải pháp chấn chỉnh, nếu không sẽ bị đình chỉ thi công.
Tuy nhiên với 2 lần Ban Duy tu có ý kiến như trên nhưng đến nay các ụ thép như bẫy giao thông vẫn tồn tại (quá thời gian phải dỡ bỏ nhiều ngày) vẫn nằm chình ình trên cầu Vĩnh Tuy. Từ thực tế này, dư luận đặt câu hỏi, do nhà thầu là Công ty CP Co khí 41 Thăng Long chống lệnh, hay chỉ đạo của đại diện chủ đầu tư chưa sát sao?