BĐBP Đắk Lắk nâng cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã quan tâm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng (gọi tắt là Chỉ thị số 20), làm cơ sở giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm yêu nước cho thế hệ trẻ và góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong thời kỳ mới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk được giới thiệu về tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng”. Ảnh: Ngọc Lân

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk được giới thiệu về tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng”. Ảnh: Ngọc Lân

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk xác định là một nội dung quan trọng nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử hoạt động xây dựng và trưởng thành của đơn vị, nêu bật những thắng lợi, những thành tựu của BĐBP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư được ban hành, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai các nghị quyết, kế hoạch. Đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị.

Đại tá Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Để Chỉ thị số 20 thấm sâu vào nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã giao trực tiếp đồng chí Bí thư cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ việc quán triệt, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Đơn cử như, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2019), Đảng ủy BĐBP Đắk Lắk đã lãnh đạo triển khai biên soạn, bổ sung lịch sử BĐBP Đắk Lắk, giai đoạn 1975-2020 và sưu tầm hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Phòng truyền thống. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai biên soạn đạt hiệu quả, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn lịch sử gồm những đồng chí có trình độ chuyên môn giỏi, am hiểu và có nhiều kinh nghiệm trong công tác viết sử để tiến hành sưu tầm chứng cứ, tài liệu, nhân chứng, tổng hợp, biên soạn.

Chiến sĩ mới tham quan, học tập truyền thống tại Phòng truyền thống BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Lân

Chiến sĩ mới tham quan, học tập truyền thống tại Phòng truyền thống BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Lân

Thượng tá Huỳnh Hòa, Trợ lý tác chiến kiêm cứu hộ, cứu nạn (Phòng Tham mưu, BĐBP Đắk Lắk) là một trong những cán bộ đảm nhận công tác biên soạn lịch sử BĐBP Đắk Lắk giai đoạn 1975-2020, cho biết: “Bộ phận viết sử đều kiêm nhiệm nên chúng tôi trong quá trình làm, luôn học tập, tham khảo các ý kiến của các chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là ý kiến của Cục Chính trị BĐBP, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk. Cuốn lịch sử phản ánh chặng đường 45 năm của đơn vị, đòi hỏi việc sưu tầm, tra cứu tài liệu, thẩm tra, gặp gỡ nhân chứng qua các thời kỳ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức 2 lần hội thảo chính, 6 lần xin ý kiến của các cấp và tiếp thu thành quả từ cuốn lịch sử BĐBP Đắk Lắk giai đoạn 1960-1995, bổ sung hoàn thiện kết cấu lại, viết tiếp giai đoạn 1996-2020”.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, biên soạn, đến ngày 12/5/2020, cuốn lịch sử BĐBP Đắk Lắk, giai đoạn 1975-2020 đã được hoàn thiện. Đây chính là thành quả của trí tuệ tập thể và sự đoàn kết, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk. Song song giai đoạn này, Đảng ủy BĐBP Đắk Lắk đã chỉ đạo các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động tổ chức biên soạn, bổ sung biên niên sử của từng đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk đến tham quan, học tập truyền thống lịch sử địa phương tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Lân

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk đến tham quan, học tập truyền thống lịch sử địa phương tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Lân

Cùng với biên soạn lịch sử, công tác giáo dục tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, lịch sử đơn vị cũng được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, nhất là đối với những đảng viên trẻ, chiến sĩ mới. Hằng năm, thông qua các hoạt động tham quan học tập truyền thống, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk tổ chức các đợt tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như Nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Đắk Lắk, hay tham quan học tập tại Phòng truyền thống BĐBP Đắk Lắk, tham quan Bảo tàng Dân tộc học tỉnh Đắk Lắk...

Đặc biệt hơn, hiện nay, tại các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk có 3 nhà ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới; 3 tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” và 1 điểm Di tích quốc gia đặc biệt “Bến phà vượt sông Sê Rê Pốk”. Đây chính là những điểm tham quan học tập truyền thống và giáo dục lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk.

“Có thể nói, Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư đã góp phần rất quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống của đơn vị, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đơn vị đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt, góp phần nâng cao giác ngộ cho thế hệ trẻ về chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Tổ quốc”. - Đại tá Phạm Hữu Chiến nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc Lân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-dak-lak-nang-cao-cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-post458189.html