Bệ đỡ của nền kinh tế

Tục ngữ có câu: Nông vi bản, nghĩa là lấy nông nghiệp làm căn bản. Lại có câu: Phi nông bất ổn, với nghĩa nếu thiếu vắng nông nghiệp xã hội sẽ không yên.

Mọi sản phẩm nuôi sống con người đều được làm ra từ Nông nghiệp. Ngày mới giành được chính quyền Bác Hồ kêu gọi chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nông nghiệp bao gồm các nghề trồng cấy cây lương thực; trồng, bảo vệ, khai thác rừng; nuôi, bảo vệ, đánh bắt thủy sản và làm muối. Trong kháng chiến chống Pháp các nghề này đều thuộc Bộ Canh nông quản lý.

Chủ thể sản xuất nông nghiệp là nông dân. Vai trò của nông dân thể hiện rõ: “Nông dân là quân chủ lực, không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công”.

Nhìn vào kinh tế Tuyên Quang cho thấy tuy giá trị tổng thu nhập không lớn nhất nhưng về diện tích đất đai và số lượng lao động thì nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Điểu này chỉ báo rằng trong khi đặt trọng tâm vào phát triển du lịch, công nghiệp thì vẫn phải hết sức coi trọng nông nghiệp và ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp.

Lợi thế lớn của Tuyên Quang là đất đồi, núi rất thích hợp trồng rừng. Những năm qua, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác gỗ, công nghiệp chế biến gỗ phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả. Tuy nhiên đang thiếu vắng những khu rừng gỗ lớn, trong đó có rừng gỗ quí được trồng theo qui hoạch. Mặt khác công nghệ khai thác gỗ còn lạc hậu, lãng phí lớn.

Ở những nước nghề rừng phát triển như Thụy Điển họ không chỉ cắt lấy phần thân cây mà khai thác kiểu “nhổ cả gốc”. Các phần khác của cây như gốc, rễ, cành, ngọn… đều được chế biến cho ra nhiều loại sản phẩm bền đẹp, giá hợp lý. Còn một điểm đáng để tâm là họ trồng rừng theo qui hoạch tổng thể, tạo ra những cánh rừng diện tích lớn, hàng năm khai thác đến đâu trồng ngay đến đấy theo kiểu cuốn chiếu. Cách làm đó vừa bảo đảm đủ sản lượng gỗ cho sản xuất vừa bảo đảm độ che phủ của rừng, tức là cân đối giữa trồng và khai thác.

Lâm nghiệp là tiềm năng cho du lịch thì đã rõ ràng. Cùng với thiết kế du lịch sinh thái, du lịch khám phá ở những khu rừng lớn như ở danh thắng đặc biệt quốc gia Na Hang - Lâm Bình, nên tính đến tạo những khu du lịch gần với đô thị, khoảng cách chỉ mười, mười lăm cây số, có thể đi bằng nhiều loại phương tiện, kể cả cưỡi ngựa , đi bộ. Núi Là, núi Nghiêm, núi Dùm có rừng, có suối, có thác, có đền chùa đều thuận lợi mở ra những khu du lịch “chặng đường ngắn”.

Một số cây có múi rất ưa thổ nhưỡng Tuyên Quang. Phát triển trồng cam, bưởi đạt hiệu quả cao. Song cần quan tâm cải tạo giống và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Ở khâu này đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ. Hợp tác xã, hộ trồng cam có thể góp vốn hình thành nguồn tài chính đặt đề tài với nhà khoa học tạo ra giống cam ngọt, ít hạn (hoặc không hạt) mọng nước, kích thước đồng đều, chống chịu sâu bệnh.

Chuyên gia nông nghiệp cần giúp địa phương qui hoạch vùng trồng. Cần lường trước diễn biến để không phá vỡ qui hoạch, dẫn sản phẩm không tiêu thụ được do chất lượng giảm sút hoặc cung vượt quá cầu. Với cây công nghiệp khác thì cây chỉ nên duy trì diện tích hiện tại. Vấn đề cấp thiết là thay giống chất lượng cao, đổi mới công nghệ chế biến và nhất là khâu chăm sóc không dùng thuốc trừ sâu.

Với cây mía, nên mạnh dạn chấm dứt sớm chương trình mía đường. Lý do đơn giản nhưng có tính quyết định là Tuyên Quang không có vùng nguyên liệu đủ lớn cho ngành công nghiệp này.

Về sản xuất lương thực, trọng là cây lúa còn nhiều khâu phải quan tâm. Có thể nói, hiệu ứng tích cực của khoán 10 đã không còn. Đồng ruộng manh mún, gieo cấy nhiều giống lúa trên một cánh đồng; chuyển đổi cây trồng qui mô nhỏ, kém hiệu quả. Lao động nông nghiệp, nhất là trong khâu trồng lúa đa phần phụ nữ, người tuổi đã cao. Tất cả những yếu tố đó khó có thể làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Trong khi chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên ruộng trồng lúa nước, nên chăng tính đến việc các cấp ủy cơ sở ở nông thôn phân công cấp ủy viên có năng lực, có tri thức, tâm huyết đứng ra lập hợp tác xã kiểu mới sản xuất chuyên canh mới hy vọng cải thiện được tình hình.

Chăn nuôi gia súc lớn trâu bò cần chú ý khâu phục tráng giống trâu bản địa và lai giống bò ngoại. Lưu ý lập qui chế thôn bản chặt chẽ, tránh xảy mâu thuẫn trồng trọt và chăn nuôi. Nuôi cá lồng trên sông suối cần lưu ý bảo đảm nguồn nước trong lành, không để xảy tình trạng cá chết hàng loạt như ở một số nơi.
Tựu trung lại, dư địa phát triển nông nghiệp Tuyên Quang là rất lớn. Nông nghiệp mãi còn là bệ đỡ của nền kinh tế, là cơ sở phát triển công nghiệp, du lịch và bảo đảm an ninh môi trường./.

Phù Ninh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/goc-nhin/be-do-cua-nen-kinh-te-137214.html