Bệ đỡ để hạt gạo Trà Vinh đứng vững trên thị trường (Bài cuối)

Tỉnh Trà Vinh đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, giảm phát thải để nâng cao giá trị hạt gạo địa phương. Vụ thu - đông 2024 này, tỉnh xây dựng 08 mô hình trên diện tích khoảng 400ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo Đề án 'Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030' để nhân rộng lên 7.245 ha ở vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025; và sẽ phát triển lên 10.550ha vào năm 2025, đến năm 2030 đạt diện tích 30.736ha.

Thực hiện Đề án trên tại Trà Vinh, vụ hè - thu 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xây dựng 02 mô hình điểm tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành. Đây là 02 trong 07 HTX ở 05 tỉnh, thành (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh) được Bộ NN-PTNT chọn làm mô hình thí điểm canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ở ĐBSCL. Kết quả, 02 mô hình thí điểm ở Trà Vinh được đánh giá khá thành công, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường.

Nông dân Quách Văn Út, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, thành viên HTX nông nghiệp Phát Tài rất phấn khởi khi năng suất ruộng lúa 02ha trồng theo mô hình của Đề án đạt năng suất 07 tấn/ha, cao hơn vụ hè - thu những năm trước khoảng 01 tấn/ha. Trong khi chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, cùng với giá bán do hợp tác xã thu mua 8.500 đồng/kg lúa thương phẩm, gia đình ông đạt lợi nhuận trên 45 triệu đồng/ha, cao hơn lợi nhuận vụ cùng kỳ năm trước trên 05 triệu/ha.

Ông Út chia sẻ, trước đó, theo tập quán cũ, nông dân hầu hết sạ dày với khoảng 20kg lúa giống/1.000m2. Nhưng khi tham gia mô hình, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, lượng lúa giống giảm chỉ còn 08kg/1.000m2, nên ban đầu nông dân rất lo ngại năng suất giảm. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, không những năng suất tăng mà mô hình canh tác này còn có ưu điểm là do sạ thưa nên rất dễ chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, chuột cắn phá và không bị đổ ngã.

Đặc biệt, điều an tâm nhất là đầu ra lúa thương phẩm được thị trường ưa chuộng hơn nên giá bán cũng ổn định hơn trước. Vụ thu - đông này, ông Út tiếp tục duy trì mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Tương tự, ruộng lúa hơn 01ha gần đó của ông Võ Minh Liệt, thành viên HTX nông nghiệp Phát Tài cũng vừa thu hoạch với năng suất 6,5 tấn/ha, cao hơn vụ hè - thu năm trước 0,5 tấn/ha. Ông Liệt chia sẻ, mô hình giảm hơn 50% lượng giống sạ so với trước kia, cùng với kỹ thuật cung, tiêu nước hợp lý, cây lúa phát triển rất tốt, khỏe, cứng cây; hầu hết các ruộng lúa sản xuất theo mô hình đều không bị đổ ngã như những vụ sản xuất trước. Đặc biệt, lúa thương phẩm sản xuất theo mô hình được thị trường ưa chuộng nên rất dễ bán.

HTX nông nghiệp Phát Tài thu hoạch lúa trong Đề án "Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" .

HTX nông nghiệp Phát Tài thu hoạch lúa trong Đề án "Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" .

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết, HTX có 48 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích 48,4 ha, sử dụng giống OM 5451, thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/cao, cao hơn ngoài mô hình khoảng 01 tấn/ha. Cùng đó, mô hình giảm 60% lượng giống, 30% phân bón, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân có lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Ông Chung chia sẻ, ban đầu do còn khá bỡ ngỡ với những kỹ thuật mới nên việc vận động nông dân tham gia mô hình cũng khá khó khăn. Cụ thể như việc đo, đếm, đánh giá mất khá nhiều thời gian do nông dân chưa quen, hay việc áp dụng quy trình "ngập khô xen kẽ" đòi hỏi phải bơm, rút nước đúng thời gian, thời điểm… Nhưng sau khi được hướng dẫn theo cách "cầm tay chỉ việc" của ngành chuyên môn, qua 01 vụ sản xuất, nông dân đã khá thành thạo với quy trình sản xuất này và thấy dễ dàng hơn.

Từ hiệu quả của mô hình điểm, thành viên HTX đều mong muốn nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất. Theo kế hoạch vụ thu - đông này, HTX sẽ phát triển diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải lên 500ha và sẽ liên tục mở rộng diện tích sản xuất cho những vụ sau.

HTX nông nghiệp Phước Hảo có 46 hộ tham gia mô hình trên diện tích 50ha, sử dụng giống ST24, thời gian sinh trưởng 105 ngày. Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hảo cho biết, tham gia mô hình, thành viên HTX áp dụng sạ cụm với lượng giống bình quân 60kg/ha, giảm 90kg/ha so với ngoài mô hình. Ngoài ra, lượng phân bón hóa học canh tác theo mô hình cũng giảm 33% và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 02 lần/vụ nên tổng chi phí đầu tư mỗi héc-ta chỉ hơn 20 triệu đồng, giảm 4,6 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ. Cùng đó, lúa trong mô hình không bị đổ ngã, tỷ lệ hạt chắc cao, trọng lượng hạt nặng nên năng suất tăng 0,3 tấn/ha so với ngoài mô hình. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân đạt lợi nhuận hơn 46 triệu đồng/ha, tăng 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, 02 mô hình thí điểm theo Đề án "Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" thực hiện ở Trà Vinh bước đầu đã thành công. Nông dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, từ các khâu làm đất, xuống giống, bón phân, bơm, rút nước, đến thu hoạch.

Kết quả, mô hình giảm đáng kể chi phí sản xuất do giảm lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; năng suất đạt cao hơn ngoài mô hình nên nông dân đạt lợi nhuận khá. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, điều quan trọng hơn là mô hình giảm lượng phát thải từ 20 - 30% so với tập quán canh tác cũ, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Đây là điều kiện để tỉnh Trà Vinh nhân rộng mô hình, từng bước xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải để nâng cao giá trị hạt gạo địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" sẽ giúp tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Đồng thời, việc thực hiện góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Trà Vinh sẽ thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia Đề án, như hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo phát thải thấp tại thị trường trong nước và quốc tế…

Bài, ảnh: THANH HÒA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/be-do-de-hat-gao-tra-vinh-dung-vung-tren-thi-truong-bai-cuoi-40511.html