Bé gái được ghép tim từ người hiến 37 tuổi đã khỏe mạnh, đi học trở lại
Sau gần 2 tháng thực hiện ca ghép tim đặc biệt, bé Hà Ngọc Chi không những đã khỏe mạnh trở lại mà còn bắt đầu trở lại nhịp học tập cùng bạn bè.
Tại buổi lễ tri ân người hiến tặng mô, tạng với chủ đề: “Trao tặng yêu thương - Nối dài sự sống” do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức, chúng tôi gặp bé Hà Ngọc Chi (10 tuổi, người dân tộc Nùng, quê Lạng Sơn) khi Chi cùng bố mẹ vượt mấy trăm cây số từ Lạng Sơn tới tham dự. Tuy vẫn còn yếu nhưng bé đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Không ai nghĩ rằng cháu đã từng phải trải qua những giây phút tử thần cận kề và may mắn giành lại được sự sống nhờ quả tim của một người khác hiến tặng.
Với một bé gái 10 tuổi lại nhiều năm phải chống chọi với căn bệnh giãn cơ tim tưởng như không còn lối thoát, bé Chi dường như có vẻ suy tư hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Chi nói năng nhỏ nhẹ, tình cảm, dường như em vẫn còn bàng hoàng sau thành công của ca ghép tim đặc biệt.
“Bây giờ con đã cảm thấy khỏe hơn nhiều. Con muốn nói cảm ơn rất nhiều đến người đã hiến cho con trái tim, cảm ơn gia đình của ân nhân đã mở lòng trao tặng trái tim của người thân cho con. Con cũng biết ơn các y bác sĩ đã rất tận tâm điều trị, chăm sóc cho con những ngày qua”, bé Chi xúc động chia sẻ.
Bố mẹ bé cho biết: Sau khi ghép tim thành công trở về nhà, bé đã hồi phục tốt. Tuy vẫn còn yếu nhưng Chi đã có thể sinh hoạt bình thường, bắt đầu trở lại nhịp học hành cùng bạn bè.
Bé Chi mắc bệnh giãn cơ tim từ nhỏ, anh trai cũng mắc bệnh này và đã qua đời. Gia đình vốn đã khó khăn lại chồng chất những nỗi nhọc nhằn, lo lắng nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh của bé chỉ có cách thay tim mới có thể kéo dài cuốc sống. Trước tình cảnh đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cố gắng tìm nguồn viện trợ cho ca ghép khi có tim hiến tặng.
Mọi hy vọng tưởng chừng không thể cho đến khi ân nhân của bé Chi xuất hiện. Ngày 1/10 vừa qua, một người đàn ông 37 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não và gia đình đã tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng của người mất. May mắn, sau khi rà soát, các chỉ số của người đàn ông này trùng khớp với bé Chi. Ngay lập tức ca ghép được tiến hành, và trái tim ấy đã tiếp tục đập lại trong lồng ngực của bé Chi.
Đây cũng ca ghép tim đặc biệt thứ 2 được thực hiện từ quả tim người lớn hiến tặng ghép cho trẻ em thành công.
Câu chuyện hồi sinh tưởng như chỉ có trong cổ tích của bé Chi hay nhiều ca ghép tạng thành công từ người hiến chết não thời gian gần đây đã viết nên những câu chuyện phi thường của tình người khi sự sống cứ thế được nối dài mãi.
Theo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, sau 6 năm qua, Trung tâm đã vận động và thu hút hơn 30.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 10.000 người tham gia đăng ký. Chưa bao giờ phong trào hiến- ghép mô tạng của Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Điều phối Ghép tạng Quốc gia, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép. Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện 3 khâu rất tốt với 20 trung tâm ghép tạng gồm cả tại bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể chăm sóc người sau ghép tốt. Tuy nhiên, còn một khâu là nguồn hiến tặng mô, tạng vẫn đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, bởi số lượng người đăng ký hiến mô tạng vẫn còn quá ít so với danh sách chờ ghép tạng.
“Người Việt Nam rất nhân văn, nhiều người còn có thể hiến sống dù không cùng huyết thống. Những năm qua, có nhiều gia đình đã quyết định hiến tặng mô tạng của con mình, chồng mình khi không may người thân của họ bị chết não. Những nghĩa cử cao đẹp ấy khiến chúng tôi vô cùng cảm động, họ đã cứu những người bệnh mà chúng tôi không thể cứu”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.