Bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 17-7, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 35.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 2,5 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 35 để cho ý kiến về những nội dung quan trọng và quyết định một vấn đề theo thẩm quyền.
Nhấn mạnh rằng mỗi nội dung tại phiên họp đều được các Phó chủ tịch Quốc hội có kết luận trên cơ sở thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh 4 dự án luật và các báo cáo để thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, sau khi tổng kết Kỳ họp thứ 7, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau. Những việc có liên quan sẽ được các cơ quan hữu quan tập trung chủ động quyết liệt nhiều hơn nữa, thực hiện ngay từ bây giờ để phục vụ cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10-2019 tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước hết, các cơ quan hữu quan phải khẩn trương hoàn thiện bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 8, tháng 9 tới đây. Khối lượng công việc cần xem xét trong hai phiên họp sắp tới rất nhiều và quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tốt những công việc theo kế hoạch đề ra, không chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nội dung cần khẩn trương chuẩn bị là Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội, Nghị quyết xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và một số nghị quyết khác cũng như một số luật cần được sửa đổi bổ sung, đề nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ tài liệu theo đúng quy định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Văn phòng Quốc hội và Ban chỉ đạo xây dựng Quốc hội điện tử trong việc ứng dụng phần mềm phục vụ hoạt động cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được cải thiện; đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện đề án, có lộ trình xây dựng Quốc hội điện tử. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp xây dựng một hệ thống thông tin điện tử liên thông với cơ sở dữ liệu dùng chung, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, có tính kết nối, liên thông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên thông với những cơ sở dữ liệu dùng chung, có tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan và tính kết nối, liên thông trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, kể cả ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp để phục vụ đất nước và nhân dân.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 4 dự án Luật gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 7; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026; cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015, đồng ý trình lên Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.