Bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 17-7, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) bế mạc phiên họp thứ 35.
Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc, Chủ tịch QH khẳng định: Sau hai ngày rưỡi làm việc, phiên họp thứ 35 Ủy ban TVQH đã hoàn thành chương trình đề ra. Chủ tịch QH nhấn mạnh, sau khi tổng kết kỳ họp thứ bảy, còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Những vấn đề liên quan sẽ được các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết chủ động, quyết liệt hơn nữa nhằm kịp thời phục vụ kỳ họp thứ tám của QH vào tháng 10 tới. Chủ tịch QH lưu ý, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban TVQH tại phiên họp tháng 8, tháng 9 tới do khối lượng công việc cần xem xét trong hai phiên họp sắp tới rất quan trọng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động phối hợp Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, các cơ quan của Ủy ban TVQH triển khai tốt những công việc theo kế hoạch đề ra, không chủ quan dẫn đến tình trạng chậm trễ.
Cụ thể gồm các nội dung: Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội (thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị); Nghị quyết xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và một số nghị quyết khác, một số luật cần sửa đổi, bổ sung. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định để báo cáo Ủy ban TVQH, chậm nhất là vào phiên họp trong tháng 9 tới.
Đồng thời, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị QH, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng hệ thống thông tin điện tử liên thông với những cơ sở dữ liệu dùng chung, có tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả, tính kết nối, liên thông trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm phục vụ đất nước và nhân dân.
Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Theo báo cáo quyết toán quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư Quỹ khám chữa bệnh BHYT, tổng số 5.838 tỷ đồng. Theo quy định, phần 20% được để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng. Sau khi báo cáo quyết toán quỹ BHYT được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua, ngày 29-12-2016, BHXH Việt Nam có các văn bản thông báo 20% số kinh phí dành cho khám, chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương. Căn cứ số kinh phí chưa sử dụng hết được sử dụng tại địa phương, UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng kinh phí trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo HĐND cấp tỉnh theo đúng thứ tự ưu tiên được Luật BHYT quy định. Trong thời hạn 12 tháng, sau khi BHXH Việt Nam thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của BHXH Việt Nam, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về BHXH Việt Nam để nộp về Quỹ dự phòng. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này cho nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, dẫn đến có 11 địa phương chưa hoàn tất thanh toán theo quy định.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT là vượt quy định của Luật BHYT; do vậy, thẩm quyền quyết định là của QH.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban TVQH nhất trí việc phải tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn và xét tới các vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét tới mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân, điều kiện hoàn cảnh vào năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT sửa đổi, không tránh khỏi lúng túng, vướng mắc. Đồng thời, kinh phí này liên quan thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển cho bệnh nhân và liên quan yếu tố con người cho nên Ủy ban TVQH đã xem xét một cách toàn diện. Đồng ý thống nhất trình QH xem xét quyết định, có hay không cho tiếp tục sử dụng nguồn tiền trong số 20% để lại cho địa phương là 518,389 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân trách nhiệm vì sao 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt, nhưng vẫn còn 11 tỉnh, thành phố không thực hiện được; đề nghị phê bình nghiêm khắc những địa phương chưa thực hiện tốt Luật BHYT.
Ủy ban TVQH giao Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH thẩm tra chính thức, Chính phủ hoàn chỉnh lại toàn bộ hồ sơ, làm rõ những vấn đề về nguyên nhân, trách nhiệm, rút kinh nghiệm để trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tám.