Bệ phóng cho kinh tế Việt Nam
Kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu thị trường không ngừng tăng trưởng, đồng thời đặt ra bài toán cho doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh phương thức hoạt động để đáp ứng xu hướng này. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, mà còn là nhân tố giúp kinh tế địa phương và quốc gia khởi sắc.
Doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô:
Nâng cấp sản xuất "bắt nhịp" tốc độ tăng trưởng kinh tế
Trong năm 2019, nền kinh tế trong nước tiếp tục mở rộng đà tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng 7,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD; CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018. Kể từ năm 2011, đây là năm thứ hai liên tiếp chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt hơn 7%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế chính (tăng 11,29%). Mặt khác, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng cao. Vậy nên, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì việc mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chính là một trong những phương án khả thi được nhiều doanh nghiệp tính đến.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, theo quy trình, sau khi một doanh nghiệp xây dựng nhà máy cơ sở, vận hành có đánh giá tác động môi trường, hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về an toàn, nguồn vốn đủ mạnh, họ sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng và năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, mà còn phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.
Như BSR – Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cũng đã hoạch định dự án nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm. Trong vòng 10 năm, NMLD Dung Quất đã sản xuất gần 60 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, nộp ngân sách nhà nước khoảng 7 tỷ USD. Khi quy mô sản xuất được mở rộng, NMLD Dung Quất sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, ngành giấy cũng có nhiều tiềm năng mở rộng sản xuất, đặc biệt là giấy bao bì, loại giấy được đánh giá là sản phẩm chính và có nhu cầu tiêu dùng chiếm gần một nửa tổng tiêu thụ toàn ngành tại Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong năm 2019, tiêu dùng giấy bao bì trong nước ước tính đạt sản lượng 4,175 triệu tấn, xuất khẩu đạt 0,8 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn.
Thế nhưng, trong số gần 300 nhà sản xuất giấy tại Việt Nam, rất ít doanh nghiệp đạt được những yêu cầu cần thiết để sản xuất giấy bao bì chất lượng cao với công suất lớn. Trong khi nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm giấy bao bì hiện nay là rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp có nguồn vốn mạnh, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo các quy định về môi trường, phải nâng công suất, điều này phù hơp với tiềm lực của các doanh nghiệp FDI.
Cơ hội tăng tốc cho kinh tế địa phương
Một trong những yếu tố quyết định được hiệu quả, sự gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đó chính là đường hướng, kế hoạch nâng công suất, mở rộng quy mô. Kinh tế địa phương nói riêng và quốc gia nói chung từ đó cũng sẽ phát triển mạnh và nâng tầm.
Là một trong top 100 doanh nghiệp bền vững 2 năm qua thể hiện tiềm năng mở rộng sản xuất của Lee & Man nói riêng và các nhà sản xuất giấy lớn nói chung.
Trở lại câu chuyện ngành giấy, thực trạng thiếu hụt doanh nghiệp Việt Nam sản xuất giấy bao bì kể trên phần nào được giải quyết nhờ vào sự xuất hiện và đầu tư quy mô sản xuất của doanh nghiệp FDI. Đơn cử, Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang có thế mạnh sản xuất giấy bao bì chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, và là nhà máy giấy có quy mô thuộc hàng lớn nhất khu vực ĐBSCL, đồng thời thuộc một trong ba nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn nhất nước, đạt 420.000 tấn/năm. Nếu tính đến phương án nâng thêm công suất cũng là hướng đi phù hợp với bối cảnh kinh tế, nhu cầu thị trường lẫn tiềm lực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, an toàn môi trường khi mở rộng quy mô sản xuất là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm. Theo ông Patrick Chung – TGĐ Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, công ty đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nghiêm túc vào các công trình xử lý nước thải. Tại Nhà máy giấy ở Hậu Giang, hệ thống xử lý nước thải thuộc dạng hiện đại nhất trong ngành, cho phép hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường. Nước thải của nhà máy sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao hơn chuẩn xả thải cho phép đối với ngành công nghiệp giấy.
Kinh tế của Việt Nam năm 2019 không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn có tiềm năng tiếp tục bứt phá trong những năm tới, đặc biệt khi Việt Nam đang tiến vào xu thế hội nhập kinh tế. Theo đó, nhu cầu của thị trường phát triển và được đa dạng hóa, để đáp ứng xu hướng này, việc mở rộng quy mô sản xuất không chỉ là đường hướng tối ưu giúp doanh nghiệp phát triển, mà còn tô điểm thêm cho bức tranh kinh tế địa phương và quốc gia