Bé sơ sinh tím tái, ngừng tim do bị 'đẻ rơi'
Trong lúc đi vệ sinh, sản phụ bất ngờ chuyển dạ và 'sổ' con rất nhanh. Sau khi đỡ đẻ, em bé tím tái, ngừng tim nhưng được các sĩ cấp cứu kịp thời.
Đẻ rơi trong nhà vệ sinh
Ngày 4/11, TS.BS Trần Thị Nguyệt Nga (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội), cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, cứu sống trẻ sơ sinh bị tím tái, ngừng tim do mẹ đẻ rơi trong nhà vệ sinh của Bệnh viện.
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 29/10, sản phụ T. (41 tuổi, trú tại Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện thăm khám do đã sốt liên tục 4 ngày, thai 31 tuần. Trước thời điểm này, bệnh nhân đã đi khám sản khoa, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường.
Khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện đau chân, đau hông đi lại khó khăn, đi lại phải có người dìu dù không sốt, không ho, không khó thở.
Lúc này bệnh nhân không đau bụng, không thấy cơn co tử cung, vẫn cảm thấy thai máy bình thường. Bác sĩ chỉ định theo dõi bệnh nhân tại phòng cấp cứu, truyền dịch và làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Khoảng 30 phút sau đó, thai phụ buồn tiểu và được điều dưỡng trực hỗ trợ đến nhà vệ sinh. Tuy nhiên, vừa vào nhà vệ sinh bệnh nhân bất ngờ chuyển dạ đẻ và "sổ" con ra rất nhanh.
Ngay lập tức, điều dưỡng đã báo gọi cấp cứu cho cả tua trực. Các bác sĩ kịp thời có mặt, đỡ đẻ cho thai phụ, tình trạng thai ngôi ngược.
TS. Trần Thị Nguyệt Nga cho biết, khi đỡ được em bé ra, trẻ tím tái toàn thân, ngừng tim, không thở. Ngay lập tức, kíp cấp cứu tiến hành ép tim cho trẻ. Đồng thời, kẹp dây rốn, ủ ấm, nhanh chóng vận chuyển hai mẹ con về giường cấp cứu với sự hỗ trợ của cả kíp trực và người nhà người bệnh khác.
Ngoài ra, các bác sĩ và nhân viên y tế có mặt tại thời điểm đó tiếp tục hà hơi thổi ngạt miệng, ép tim ngoài lồng ngực, ủ ấm cho trẻ. Đồng thời, báo động đỏ nội viện, cả bệnh viện cùng sẵn sàng tinh thần để cứu hai mẹ con, bác sĩ Nga kể lại.
Sau khi hà hơi thổi ngạt, ép tim khoảng một phút thì trẻ có nhịp thở ngáp, có nhịp tim, tiếp tục ép tim, thổi ngạt, oxy mask, trẻ có nhịp tự thở, khóc to và hồng dần toàn thân.
Khi nhân viên khoa Nhi mang bóng Ambu đến tiếp tục bóp bóng oxy 100%, bệnh nhi có nhịp tim 140 lần/phút. Bác sĩ tiến hành sát khuẩn, cắt dây rốn, băng vô khuẩn dây rốn cho bé.
Trực lãnh đạo gọi cấp cứu 115 để vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trên xe, kíp trực tiếp tục bóp bóng hỗ trợ bé khi có cơn ngừng thở.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bé khỏe, cân nặng lúc sinh 1.500gram, mẹ khỏe.
Cần làm gì khi phát hiện sản phụ đẻ rơi?
Theo các bác sĩ, mẹ đẻ rơi là tình trạng sinh đẻ không nằm trong kế hoạch và không dự đoán trước được, xảy ra ngoài ý muốn và thường diễn ra ở những điều kiện không đảm bảo an toàn. Mặc dù thai phụ đã được xác định ngày sinh dự đoán nhưng trong những giai đoạn cuối của thai kỳ, do có những bất thường đột ngột nên có thể bắt gặp tình trạng bà mẹ đẻ rơi con.
Khi gặp tình huống bà mẹ đẻ rơi con, việc xử lý khi đẻ rơi là cực kỳ cần thiết, phải được thực hiện khẩn cấp ngay tại chỗ để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra. Trong đó, việc đầu tiên cần thực hiện trong các bước xử lý và dự phòng đẻ rơi là đưa thai nhi ra khỏi người của thai phụ nhanh nhất có thể. Tiếp theo đó, sẽ có 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là có sẵn gói đỡ đẻ sạch. Khi đó, người xử lý đẻ rơi cần làm theo những bước sau để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và đứa trẻ:
- Trải tấm nilon nơi bà mẹ nằm đẻ rơi, đặt bé nằm vào tấm nilon.
- Lau khô và ủ ấm cơ thể cho bé bằng những vật liệu có sẵn từ người mẹ hoặc người xử trí như khăn, áo...
- Cặp kẹp thứ nhất vào dây rốn nằm cách phần rốn 2cm.
- Vuốt dây rốn từ vị trí cặp kẹp thứ nhất về phía sản phụ rồi tới cặp kẹp thứ hai cách thứ nhất 3cm.
- Không cắt dây rốn.
- Cho mẹ ôm bé để bé không bị nhiễm lạnh.
- Chuyển mẹ và bé đến trạm y tế gần nhất để tiếp tục chăm sóc.
Tại cơ sở y tế chuyên môn, sản phụ được lấy rau, theo dõi và xử trí chảy máu sau sinh, nhiễm khuẩn sau sinh cũng như tiêm huyết thanh chống uốn ván. Bé sẽ được làm rốn lại.
Trường hợp không có sẵn gói đỡ đẻ sạch:
- Lau khô, ủ ấm cho bé bằng khăn hay vải có ngay tại thời điểm đó.
- Dùng một sợi dây nhỏ, mềm ngay tại chỗ, có thể là dây rút, dây được xé từ vạt áo... để buộc chặt dây rốn và lưu ý là nên buộc càng xa vị trí bám của dây trên bụng bé càng tốt.
- Không được phép cắt dây rốn.
- Cho mẹ ôm bé để không nhiễm lạnh.
- Chuyển mẹ và bé đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử lý. Tại đây, sản phụ được lấy rau thai, theo dõi tình trạng chảy máu sau sinh, nhiễm trùng sau sinh, tiêm huyết thanh chống uốn ván tại cơ sở y tế.