Bế tắc chính trị, Israel chuẩn bị bầu cử lần ba trong một năm
Quốc hội Israel ngày 12-12 bỏ phiếu thông qua quyết định giải tán do không thể thành lập chính phủ mới, đẩy nước này vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba trong 12 tháng, dự kiến diễn ra vào tháng 3-2020 tới đây với nhiều yếu tố khó đoán.
Theo Times of Israel, kiến nghị giải tán Quốc hội Israel được thông qua với 94 phiếu thuận và không có phiếu chống. Các nghị sỹ nước này cũng ấn định thời điểm bầu cử mới là vào ngày 2-3-2020. Cuộc bỏ phiếu giải tán quốc hội được tiến hành ít giờ sau khi hai đảng lớn nhất tại Israel là Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đảng Xanh Trắng do cựu tướng quân đội Benny Gantz lãnh đạo không thể đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào hạn chót (tối 11-12) để thành lập một “chính phủ đoàn kết” như gợi ý của Tổng thống Reuven Rivlin.
Quyết định của Quốc hội Israel theo đó cho thấy thế bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này chưa tìm được lối thoát. Israel đã tổ chức bầu cử tới hai lần chỉ trong vòng 5 tháng, lần lượt vào tháng 4-2019 và tháng 9-2019, nhưng đều không thể thành lập được chính phủ mới.
Trong cuộc bầu cử lần gần nhất diễn ra ngày 17-9, đảng Xanh Trắng của ông Gantz giành 33 ghế, đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu chiếm 32 ghế và đều không đủ quá bán trong quốc hội 120 ghế để tự thành lập chính phủ. Hai ông này sau đó lần lượt được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ liên minh nhưng không ai thành công do không nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.
Tháng 10, hai bên khởi động đàm phán thành lập “chính phủ đoàn kết”, trong đó hai đảng Likud và Xanh Trắng sẽ bắt tay nhau, ông Netanyahu và ông Gantz thay nhau làm thủ tướng. Tuy nhiên, tranh cãi về việc bên nào làm trước và làm trong bao lâu khiến các cuộc đàm phán đổ bể.
Truyền thông Israel loan tin, liên minh cánh hữu của ông Netanyahu muốn thành lập chính phủ do ông này lãnh đạo. Trong trường hợp ông Netanyahu ra đi sau nửa nhiệm kỳ hoặc bị luận tội vì các cáo buộc tham nhũng bủa vây, ông Gantz mới được lên nắm quyền.
Ở phía ngược lại, đảng Xanh Trắng nhất quyết cho rằng ông Gantz phải giữ chức Thủ tướng Israel trong nửa đầu nhiệm kì và lựa chọn nội các bởi đảng này giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử lần hai. Cách đây vài hôm, ông Netanyahu đã đề xuất tiến hành bầu cử trực tiếp, tức người dân đi bỏ phiếu lựa chọn ông hoặc ông Gantz cho vị trí thủ tướng thay vì bầu cử lại toàn bộ quốc hội.
Ông Netanyahu cho đây là cách tốt nhất để kết thúc tranh cãi chính trị và không đưa Israel vào nguy cơ phải tổng tuyển cử lần nữa. Tuy nhiên, khả năng này không được nhắc tới trong quyết định vừa được thông qua của Quốc hội Israel.
Vẫn theo Times of Israel, việc nước này buộc phải bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba trong vòng 12 tháng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Ông Netanyahu và ông Gantz đều được dự đoán là các ứng viên duy nhất cho chức thủ tướng trong hai cuộc bầu cử vừa diễn ra, song với cuộc tổng tuyển cử thứ ba, ông Netanyahu có nguy cơ bị thay thế.
Ở nội bộ đảng Likud, nhiều nhân vật mới nổi đã chỉ trích sự thất bại của Thủ tướng Netanyahu trong nỗ lực thành lập chính phủ dù ông này nắm quyền liên tục từ năm 2009. Đối thủ lớn nhất của ông Netanyahu trong đảng Likud là ông Gideo Sa'ar thậm chí tuyên bố sẵn sàng đứng lên lãnh đạo đảng này và đứng ra thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử tháng 3-2020.
“Tôi có kinh nghiệm ở nhiều vị trí quyết định. Tôi từng đứng đầu các bộ lớn và phức tạp nhất của chính phủ. Chẳng có ủy ban nào mà tôi không phải là thành viên... Đúng là tôi chưa từng làm thủ tướng, nhưng tôi cảm thấy sẵn sàng trở thành ứng cử viên cho thủ tướng”, Gideo Sa'ar tuyên bố.
Giới quan sát nhận định, trước nguy cơ bị truy tố vì các cáo buộc tham nhũng, lạm quyền cũng như việc xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ chính trị, đương kim Thủ tướng Netanyahu sẽ dùng nhiều cách để vận động tranh cử trong thời gian tới, trong đó bao gồm cả chính sách thu hút ủng hộ bằng phương châm gây tranh cãi lâu nay là “bảo vệ lợi ích quốc gia và mở rộng lãnh thổ”.
Trong hai cuộc bầu cử trước, ông Netanyahu từng khiến Trung Đông “chao đảo” với tuyên bố sẽ sáp nhập thung lũng Jordan, một phần của Bờ Tây – khu vực do Tel Aviv chiếm đóng và không được Liên hợp quốc công nhận, vào lãnh thổ Israel sau khi đắc cử; thúc đẩy ký kết hiệp ước phòng thủ chung giữa Israel và Mỹ; hay thậm chí vận động Tổng thống Donald Trump công nhận vùng đất chiếm đóng như Cao nguyên Golan thuộc Israel.
Rõ ràng, sách lược này của Netanyahu giúp ông giành sự ủng hộ của đa số cử tri người Do Thái, song khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo lắng, bởi nó đe dọa tiếp tới tiến trình hòa bình Trung Đông, hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.
Trong khi đó, theo nhật báo Haaretz của Israel, bế tắc chính trị và việc chính phủ mới không thể được thành lập suốt 12 tháng cũng tạo ra nhiều tác động xấu về xã hội và kinh tế cho Israel, bởi nội các hiện nay bị giới hạn trong việc thông qua nhiều chính sách quan trọng, từ cải cách thuế đến việc giải ngân vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Israel Moshe Kahlon mới đây thừa nhận việc tổ chức bầu cử ở Israel cũng rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi kỳ bỏ phiếu, chưa tính thiệt hại ước tính gần 300 triệu USD “thất thu” của nền kinh tế do toàn bộ người dân được nghỉ làm trong ngày bầu cử.