Bé trai ở Sài Gòn suýt bị nghiến nát chân khi đi thang cuốn và bài học cảnh báo các phụ huynh
Vừa đi thang cuốn vừa dùng điện thoại, chị Dương không phát hiện ra chân con bị cuốn vào cạnh bên phải của thang không thể kéo ra được.
Sáng 9/12, chị Dương Dương (ngụ ở khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) cùng con trai đi siêu thị ngay gần nhà. Do mải việc riêng, chị vừa đi thang cuốn vừa dùng điện thoại nên không để ý đến con.
Bỗng dưng chị nghe tiếng con kêu thất thanh "Mẹ ơi, mẹ ơi cứu con" và chỉ kịp nhìn thấy bàn chân của con trai bị cuốn vào cạnh bên phải của thang cuốn.
Chị Dương cùng những người xung quanh cố hết sức ôm bé trai lôi ra nhưng chân bé kẹp cứng ngắc, thang máy thì vẫn trôi. Trong ít giây đấy, chị Dương tuyệt vọng, hai mẹ con ôm nhau khóc.
May mắn có một người đàn ông trung niên đã cầm thẳng cổ chân bé trai lôi thật mạnh thì chân của con trai chị Dương tuột ra. Sau đó dép cũng văng ra theo. Đôi dép crocs của bé bị nghiến nát, các đầu ngón chân của con trai chị Dương cũng bị bầm tím.
"15 giây con bị kẹt chân trong thang cuốn là thời gian dài tuyệt vọng nhất trong cuộc đời của tôi. Đây là bài học lớn với tôi. Trước đây, mặc dù có được xem clip về tai nạn thang cuốn nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra trên mạng. Tôi mong các phụ huynh khác hãy cẩn thận để mắt tới con mình khi cho bé đi thang máy", chị Dương chia sẻ.
Đây không phải là tai nạn đầu tiên liên quan đến thang cuốn. Trước đó đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Tháng 10/2012, trong lúc đi mua sắm với bố mẹ và di chuyển thang cuốn từ tầng 3 xuống tầng 2 tại siêu thị Big C Vinh (Nghệ An), cháu Bùi Hoàng Hải (3 tuổi) đã bị chiếc thang cuốn giữ lại, mắc kẹt đùi phải vào điểm tiếp nối, dẫn đến bị thương nặng, vết thương ở chân chảy rất nhiều máu.
Ngày 6/4/2017, một cháu bé 17 tháng tuổi trong lúc chờ khởi hành cùng mẹ ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã bị cuốn vào thang cuốn làm cánh tay bị thương 75%.
Thực tế cho thấy, tai nạn thang cuốn không chỉ xảy ra với trẻ em mà còn xảy ra với cả người lớn.
Vụ tai nạn "người phụ nữ bị thang cuốn nuốt chửng" xảy ra tại Trung tâm Thương mại của quận Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào ngày 26/7/2015 khiến nhiều người bàng hoàng.
Video quay lại vụ tai nạn cho thấy, sự việc chỉ xảy ra trong vòng vài giây. Theo đó, người phụ nữ Trung Quốc đã bị chiếc thang cuốn cuốn tử vong sau khi cố gắng cứu lấy cậu con trai nhỏ tuổi của mình.
Người phụ nữ bị cuốn vào bên trong thang khi bục đỡ sập xuống và lập tức thiệt mạng. Trước đó, nhân viên trung tâm thương mại đã thấy thang máy bị trục trặc nhưng không cảnh báo kịp.
Nguyên nhân của những vụ việc đau lòng này do mọi người chưa thực sự cảnh giác, ý thức được những tai nạn tiềm ẩn của thang cuốn. Đặc biệt là không nhiều người biết nút "dừng khẩn cấp" của thang cuốn nằm ở đâu, đến khi sự cố xảy ra không ứng phó kịp thời.
"Phía đầu và phía cuối thang cuốn luôn có 1 nút dừng màu đỏ ở bên phải tay vịn. Khi gặp trường hợp khẩn cấp mọi người nên hô to nhờ người khác ấn dừng thang trước. Chính ra, thang cuốn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao hơn thang đứng. Vì vậy, đừng đùa giỡn cũng như mải điện thoại khi đi thang cuốn", anh Nguyễn Mạnh Lăng, một chuyên gia kiểm định thang máy cho biết.
Cách đi thang cuốn an toàn
- Cảnh báo trẻ nhỏ không dẫm vào vùng viền vàng (sát mép thang cuốn) vì dễ bị mắc giày dép vào cạnh thang.
- Khi sử dụng thang cuốn, phải bám tay vào tay vịn, chân phải đặt ở giữa bậc thang.
- Không nên cho trẻ đi dép crocs khi đi thang cuốn vì dễ bị kẹt.
- Không đứng hai chân trên hai bậc khác nhau, không chạy nhảy, ngồi bệt khi thang đang di chuyển.
- Không cho tay vào các khe hẹp kỹ thuật vì có thể gây nguy hiểm, bị kẹt, cuốn.
- Nếu mặc áo dài, váy khi đi thang cuốn thì phải vén lên cao bởi rất nhiều trường hợp tai nạn thang máy xảy ra do quần áo bị kẹt dưới băng chuyền.
- Khi bị vướng quần/áo vào thang, cần nhanh tay tháo bỏ phần quần/áo đó ra khỏi người. Không nên cố gỡ ra khỏi thang.
- Không để trẻ nhỏ đi thang cuốn một mình hoặc đùa nghịch ở thang cuốn. Người lớn nên cầm tay và đặt trẻ em đứng vào khoảng giữa của bậc thang cuốn. Trẻ em dưới 6 tuổi tốt nhất nên được bế để đảm bảo an toàn.
- Nhanh chóng bước ra khỏi thang khi đã đến điểm.
- Trong trường hợp thang cuốn gặp sự cố, kẹt, người dân phải hô lớn, đồng thời nhanh tay ấn nút "dừng khẩn cấp" để đảm bảo an toàn.