Bến Lức: Trên 2.000ha chanh bị thiệt hại
Mùa hạn, mặn 2019-2020 đã khép lại, tuy nhiên, ảnh hưởng của nó vẫn còn xảy ra trên nhiều diện tích chanh của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trong đó, không ít diện tích bị thiệt hại gần như hoàn toàn, người dân phải phá bỏ, chờ đợi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan để tái sản xuất.
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện huyện có gần 7.000ha chanh. Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng chủ lực của huyện, bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên và hiệu quả mang lại cho người dân. Tuy nhiên, mùa hạn, mặn vừa qua, nhiều diện tích chanh bị ảnh hưởng nặng do thiếu nước tưới. Đến nay, dù mùa hạn, mặn đã đi qua nhưng ảnh hưởng của nó vẫn đang tiếp diễn. Cụ thể, trên 2.000ha chanh của huyện bị thiệt hại, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Bình Đức..., trong đó có trên 500ha bị thiệt hại từ 70% trở lên.
Lý giải về nguyên nhân khiến chanh bị ảnh hưởng kéo dài bởi hạn, mặn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến cây chanh bị suy kiệt và chết là do thiếu nước ngọt tưới cây, trong vườn không có mương dự trữ nước ngọt. Song song đó, hiện tượng rò rỉ nước mặn thấm sâu trong các mương vườn sẽ tích tụ muối hòa tan trong đất, hạn, mặn càng kéo dài thì lượng muối trong đất sẽ càng tăng dẫn đến hệ thống rễ cây không hút được nước và dinh dưỡng khiến cây chết. Mặt khác, một số diện tích chanh vẫn cho hoa, trái trong giai đoạn hạn, mặn làm tiêu hao nhiều năng lượng, dinh dưỡng cho quá trình nuôi trái. Đặc biệt, giai đoạn sau khi thu hoạch, nhiều diện tích chanh lại tiếp tục gặp điều kiện hạn, mặn trong thời gian dài nên không có đủ nước, dinh dưỡng để phục hồi bộ rễ và lá dẫn đến cây ngày càng suy kiệt và chết.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Khanh thông tin: “Những năm qua, chanh được xem là cây giảm nghèo của xã, mang lại thu nhập cao cho nông dân nên diện tích trồng ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, đợt hạn, mặn vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến người trồng chanh trên địa bàn. Toàn xã có gần 1.000ha chanh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, trong đó có trên 500ha gần như thiệt hại hoàn toàn, người dân phải phá bỏ và trồng lại mới”.
Gắn bó với cây chanh hơn 10 năm, anh Vũ Đức Toàn, ngụ xã Thạnh Hòa, bộc bạch: “Gia đình có 4,5ha chanh không hạt, trong đó có 2,5ha bị thiệt hại do ảnh hưởng hặn, mặn mà tôi đề nghị được hỗ trợ. Số diện tích chanh bị thiệt hại đều có độ tuổi từ 3-5 năm, đang trong giai đoạn cho trái, mức độ thiệt hại gần như hoàn toàn. Tôi đã hoàn thành công đoạn phá bỏ và dọn đất, đang chờ cây giống từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để tiến hành trồng lại chanh. Phần diện tích chanh còn lại dù không bị ảnh hưởng đến mức chết cây nhưng năng suất đạt không cao, giảm từ 30-50% so với năm trước”.
Mong được hỗ trợ
Ông Đặng Văn Phải, ngụ xã Thạnh Hòa, chia sẻ: “Gia đình có 2ha chanh không hạt từ 3-3,5 năm tuổi, đang cho thu hoạch trái thì bị ảnh hưởng hạn, mặn vừa qua, thiệt hại hoàn toàn. Tôi đã dọn vườn để chuẩn bị trồng lại. Tuy nhiên, tôi còn khá do dự chưa biết có trồng lại chanh không, vì chưa có giải pháp nào để cứu chanh nếu năm sau hạn, mặn lại đến”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi - Lê Anh Kiệt, xã có trên 2.090ha chanh, trong đó có 415ha bị thiệt hại trên 70% do ảnh hưởng hạn, mặn vừa qua. Hiện nay, xã cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hoàn tất công tác rà soát, giám định số diện tích chanh bị thiệt hại.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Lợi có trên 15ha chanh bị thiệt hại nặng do hạn, mặn, phải phá bỏ hoàn toàn, nhiều thành viên cũng vì vậy mà chuyển sang trồng khoai mì, ổi,... Giám đốc HTX - Lê Văn Mà cho biết: “Đến nay, nhiều diện tích chanh còn lại của HTX đang dần thể hiện tác động của hạn, mặn khi nhiều cây xuất hiện hiện tượng chết nhánh, chanh có nhiều bông nhưng không đậu nổi trái, ước tính thiệt hại rất lớn. Nhìn chung, mùa hạn, mặn lần này kéo dài và khắc nghiệt hơn nhiều so với năm 2015-2016. Gần 4 tháng ròng, chanh phải chịu khát do lượng nước tích bên trong vườn bị dậy phèn và nước bên ngoài bị mặn, do đó hoàn toàn không thể tưới hay phun xịt gì được”.
Theo ước tính của các hộ trồng chanh, hiện chi phí để trồng lại 1ha chanh từ 100-120 triệu đồng. Do đó, người dân bị thiệt hại muốn tái sản xuất gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin, do điều kiện tự nhiên của các kênh, mương nội đồng trên địa bàn huyện đều lớn, lòng kênh sâu nên không thể xây dựng các cống khép kín để trữ nước vào mùa khô. Tuy nhiên, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều có kế hoạch nạo vét các kênh, mương nội đồng và kịp thời thông báo để người dân chủ động tích trữ nước, ứng phó với hạn, mặn. Nhưng do hạn, mặn năm nay kéo dài hơn mọi năm, nhiều cây trồng không có nước tưới trong thời gian dài nên gây thiệt hại lớn.
“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp chính quyền các xã nắm tình hình, thống kê diện tích thiệt hại, trình UBND huyện để UBND huyện trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ người dân. Hy vọng, người dân sẽ sớm nhận được hỗ trợ để nhanh chóng tái sản xuất, khôi phục lại số diện tích chanh bị thiệt hại” - ông Nam thông tin thêm./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/ben-luc-tren-2-000ha-chanh-bi-thiet-hai-a100268.html