Bến Mộng: Ngày ấy, bây giờ...

Bến Mộng là cái tên mang tính biểu tượng đối với mảnh đất Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) với hình ảnh bến nước, con đò. Ngày nay, Bến Mộng đang được đầu tư xây dựng khang trang, cùng với màu xanh trù phú đôi bờ tạo thành điểm nhấn giữa lòng thị xã ngã ba sông.

Ký ức bến nước, con đò

Nằm đối diện bến nước bên bờ Bến Mộng năm xưa là ngôi nhà nhỏ của ông Châu Sanh Ngọc (tên thường gọi là Tám Ngọ). Ông Ngọc là người lái đò trên Bến Mộng năm xưa. Đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm gắn cái nghề đã theo ông suốt những năm tuổi trẻ. Đôi mắt hướng về dòng sông kỷ niệm, ông kể: “Từ năm 1988, tôi bắt đầu làm nghề lái đò đưa khách sang sông. Trước thì chèo bằng tay, sau sử dụng máy nổ”.

Ông Ngọc nhắc nhớ: Khi chưa có cây cầu bắc qua sông Ba, muốn di chuyển từ Bến Mộng sang Bến Mơ (thuộc xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) buộc phải lên đò. Không kể ngày hay đêm, những hôm trời nắng hay khi mưa bão, ông đều trực sẵn trên sông. Lượng người qua lại đông như mắc cửi. Người đi buôn bán, học sinh đi học, cán bộ đi công tác đều nhờ ông đưa đò. Đi làm ăn thì ông lấy tiền, lúc ấy cũng chỉ có 500 đồng/người. Học sinh, cán bộ đi đò thì ông chở giúp không lấy tiền. Ông bảo: “Chắc cũng vì cái tâm mình tốt nên trời thương, mọi chuyến đò sang sông đều bình yên vô sự”.

Ông Châu Sanh Ngọc-người lái đò trên Bến Mộng năm xưa-kể về những kỷ niệm đưa khách sang sông. Ảnh: Vũ Chi

Ông Châu Sanh Ngọc-người lái đò trên Bến Mộng năm xưa-kể về những kỷ niệm đưa khách sang sông. Ảnh: Vũ Chi

Ông cũng không nhớ rõ mình đã cứu bao nhiêu con người, vớt bao nhiêu thi thể trên dòng sông này. Thời ấy, nước sạch còn thiếu thốn, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên bến sông. Trẻ em, người lớn tắm bơi trên sông hàng ngày nên bị đuối nước rất nhiều. Nhiều người may mắn được ông cứu sống, nhưng cũng có người khi ông đến nơi thì đã muộn. Một số người được cứu đã nhận ông làm cha nuôi.

Khi cầu Bến Mộng được khởi công, ông Ngọc tình nguyện chở vật liệu giúp công nhân xây cầu. Chỉ đến ngày cầu khánh thành thì ông mới gác xuồng nghỉ ngơi. Ông tâm sự: “Cầu mới dựng lên, mình thất nghiệp, nhưng không vì thế mà buồn, thậm chí vui mừng khôn xiết. Mừng vì việc đi lại dễ dàng, mừng vì bao rủi ro tiềm ẩn tan biến, không còn nỗi lo phập phồng sông nước”. Cũng từ đó về sau, mỗi khi nhớ đò, nhớ bến, ông lại vác xuồng ra sông chạy một mình.

Diện mạo mới

Ông Lê Đình Tiến-Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ayun Pa-cho biết: Nhằm cải thiện môi trường sống, góp phần chỉnh trang đô thị và tạo điểm nhấn khu vực trung tâm thị xã, UBND thị xã Ayun Pa đã đầu tư xây dựng công trình Công viên Bến Mộng với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Công trình được quy hoạch trên diện tích hơn 9.000 m2, gồm các hạng mục: sân, đường nội bộ, hệ thống điện, hệ thống tưới nước, sân tập thể dục, khu vui chơi dành cho trẻ em, cây xanh, đài phun nước… Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành.

Nhà rông là một trong những hạng mục cuối cùng còn lại trong quy hoạch Công viên Bến Mộng. Dự án này đang chờ phê duyệt. Việc xây dựng nhà rông ngay bên cầu Bến Mộng nhằm phục dựng hình ảnh bến nước, con đò xưa, qua đó bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, góp phần phát triển du lịch thị xã Ayun Pa.

Công viên Bến Mộng được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Ảnh: Vũ Chi

Công viên Bến Mộng được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Ảnh: Vũ Chi

Khi hoàng hôn cũng như lúc bình minh, Bến Mộng là địa điểm lý tưởng để người dân và du khách ghé lại vui chơi. Trong khuôn viên thoáng mát, người già, trẻ nhỏ thoải mái vui đùa, tập thể dục; các bạn trẻ dạo chơi, chụp hình kỷ niệm. Không khí ồn ào, náo nhiệt của thị xã dường như ngưng lại, nhường chỗ cho sự yên bình. Dòng sông Ba hiền hòa, lững lờ trôi như một dải lụa đem hơi nước thổi mát tâm hồn cỏ cây và con người.

Đứng trên cầu Bến Mộng hướng mắt về 2 phía là bạt ngàn màu xanh. Nguồn nước dồi dào cộng với lượng phù sa màu mỡ đã giúp ruộng đồng, gò bãi thêm tươi tốt. Hàng trăm héc ta bắp sinh khối, dưa hấu, thuốc lá, hoa màu… mang lại những vụ mùa bội thu cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Năm (tổ 7, phường Hòa Bình) nhẩm đếm không biết bao lần lũ dâng cuốn hết hoa màu của gia đình nơi bãi bồi bên sông. “Buồn đấy nhưng không gục ngã. Trời lấy đi của cải, nhưng lại cho ta lượng phù sa màu mỡ, bù đắp lại bằng những vụ mùa bội thu nối tiếp về sau. Bởi vậy, tôi cùng nhiều hộ dân ở đây đã bám trụ ở mảnh đất này mấy chục năm qua. Từ cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nay con cái đều đã thành đạt, có của ăn, của để”-ông Năm bộc bạch.

NGUYÊN HƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202105/ben-mong-ngay-ay-bay-gio-5734029/