Bệnh nhân bị đột quỵ não có nên tiêm vaccine Covid-19?

Nhiều bệnh nhân đột quỵ não đang sử dụng các thuốc chống đông hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Họ có tiêm được vaccine covid-19 không, nếu được thì nên tiêm ở đâu và cần lưu ý gì?

Người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Theo thống kê của các chuyên gia Mỹ, đột quỵ não là yếu tố bệnh nền tăng nguy cơ tử vong thuộc nhóm nguy cơ cao nhất. Như vậy, người sống sót sau đột quỵ não thuộc nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trên thực tế, 80% bệnh nhân đột quỵ não là do nhồi máu não, phải dùng thuốc chống đông máu, chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường... Còn bệnh nhân đột quỵ thể xuất huyết não chủ yếu duy trì thuốc huyết áp. Những trường hợp này đều có thể tiêm phòng, không cần ngừng thuốc khi tiêm vaccine.

Đặc biệt, những bệnh nhân đột quỵ não di chứng nặng nề, sống phụ thuộc, không ra khỏi nhà nhưng vẫn có thể lây bệnh từ những người thân trong gia đình thì cần phải tiêm vaccine Covid-19.

Nhiều bệnh nhân băn khoăn là họ đang sử dụng các thuốc chống đông (warfarin, rivaroxaban, dabigatran, apixaban…) hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel…) thì có tiêm được vaccine phòng covid -19 không? Và nếu tiêm thì cần lưu ý điều gì?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế hiện nay, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính thuộc nhóm ưu tiên trong 16 nhóm được tiêm chủng phòng ngừa. Tuy nhiên người trên 65 tuổi, người có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, tiền sử bệnh nền mạn tính đang điều trị ổn, tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông, nên tiêm chủng theo dõi tại bệnh viện.

Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu thì có thể bị tụ máu tại vị trí tiêm. Do vậy, trước khi tiêm vaccine thì bệnh nhân cần tư vấn và xin ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị, để tránh hiểu lầm đây là do tác dụng phụ của vaccine.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm xong vaccine, người bệnh nên theo dõi sát sao các triệu chứng, tác dụng phụ để có biện pháp xử lý kịp thời.

PGS. TS. BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai cho biết, Hiệp hội Huyết học Anh khuyến cáo, lời khuyên trước đây của Public Health England về việc tiêm chủng bằng đường tiêm bắp vẫn tiếp tục được áp dụng:

• Bệnh nhân đang điều trị kháng đông với warfarin (INR mục tiêu 2.0 - 3.0) có thể tiêm bắp miễn là INR gần đây nhất dưới 3,0. Không cần kiểm tra INR thêm trước khi tiêm chủng.

• Bệnh nhân đang điều trị duy trì bằng thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (rivaroxaban, dabigatran, apixaban), hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp liều điều trị hoặc fondaparinux có thể trì hoãn liều vào ngày tiêm chủng cho đến sau khi tiêm bắp vaccine xong.

• Bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu đơn (ví dụ, aspirin hoặc clopidogrel) có thể tiếp tục dùng những thuốc này mà không cần điều chỉnh.

• Bệnh nhân được điều trị chống đông như Warfarin với INR mục tiêu > 3.0 hoặc liệu pháp tiểu cầu kép, cần tham khảo thêm ý kiến của Bác sỹ điều trị trước khi quyết định tiêm vaccine.

Để giảm nguy cơ hình thành khối máu tụ trong cơ sau tiêm bắp, cần lưu ý sau khi tiêm vaccine xong cần giữ chặt vào chỗ tiêm trong ít nhất 5 phút sau đó.

Ngoài những lưu ý trên, người dân khi đi tiêm cần áp dụng tốt các các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, tuân thủ nguyên tắc sàng lọc tại điểm tiêm. Kiểm soát tốt bệnh nền trong thời gian giãn cách.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/benh-nhan-bi-dot-quy-nao-co-nen-tiem-vaccine-covid-19-156347.html