Bệnh nhân tại BV Bạch Mai chưa được ra viện đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, các bệnh nhân đang điều trị trong viện phải chờ kết quả xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính mới được ra viện.
Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.
Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm toàn bộ, gần 5.000 nhân viên
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết: Ngay sau khi có 2 điều dưỡng dương tính với Covid -19, bệnh viện đã phối hợp với Công an tổ chức cách ly 160 cán bộ y tế là F1, đến nay tất cả đều có sức khỏe tốt; xét nghiệm 2 lần âm tính.
Liên quan đến Bệnh nhân 133, ngay khi phát hiện dương tính, bệnh viện đã tiến hành cách ly cả Trung tâm Thần kinh; xét nghiệm ngay trong đêm 322 người là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Các trường hợp nhân viên y tế đều có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính. Hai trường hợp có dấu hiệu lây nhiễm đã được chuyển mẫu cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngoài ra có 3 bệnh nhân có bệnh nặng, khi vào viện đã hôn mê, có tiên lượng nặng có thể tử vong (kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với Covid -19).
Về việc còn ai ở bệnh viện Bạch Mai nhiễm nữa không, bệnh viện đã tầm soát trên 5.000 mẫu của tất cả những người trong viện. Dự kiến 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng. "Bệnh nhân phải có xét nghiệm âm tính mới được ra viện", Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, CDC Hà Nội cho biết, đã có ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, trung tâm đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch.
Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Cách ly tất cả các trường hợp đến BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp khi Mỹ đã trở thành quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm; đã xuất hiện các vùng lãnh thổ lây nhiễm mới rất nghiêm trọng ở Đông Nam châu Á như Malaysia, Philippines, Campuchia,…
Các nước đang đưa ra những biện pháp phòng chống dịch rất mạnh mẽ song chưa có quốc gia nào đưa ra được vaccine chữa loại dịch bệnh này. Rất nhiều chuyên gia dịch tễ học phân tích rằng chưa xác định được thời gian sẽ chấm dứt dịch bệnh này. Nếu theo quy luật dịch bệnh tại Vũ Hán, thì thế giới còn khoảng từ 3 đến 4 tháng nữa mới lên đỉnh dịch.
“Vì thế rất có khả năng, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP sẽ phải hoạt động trong một thời gian rất dài” – Chủ tịch UBND TP nói.
Nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thì sẽ chỉ có thể phát thành điểm ổ dịch nhỏ như ở 125 Trúc Bạch, BV Bạch Mai, quận Thanh Xuân, 20 Núi Trúc, 36 Hoàng Cầu…từ đó, chúng ta có thể phát hiện và ngăn chặn được ngay; nhưng nếu để thành ổ dịch lớn, virus phát tán khắp nơi thì thành phố sẽ có nguy cơ như Vũ Hán (Trung Quốc).
Chủ tịch UBND TP cho biết thành phố đã có bài học kinh nghiệm về phản ứng nhanh với ổ dịch tại 125 Trúc Bạch (quận Ba Đình), phong tỏa BV Hồng Ngọc…Từ đó, các quận huyện cần nghiên cứu những kinh nghiệm này để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hợp lý. Đồng thời, phải chủ động, không chờ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư mà TP Hà Nội sẽ chủ động nâng cao hơn một mức so với quy định.
“Các quận huyện phải giải thích rõ với người dân rằng Hà Nội không giống các vùng quê, nếu chờ 1-2 ngày có kết quả và để người dương tính với Covid-19 đi lại thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế TP Hà Nội phải làm cao hơn một mức so với quy định của T.Ư. Nếu sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm” – Chủ tịch UBND TP nói.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP đề nghị BV Bạch Mai cần nghiên cứu bài học kinh nghiệm xử lý tại BV Hồng Ngọc; CDC Hà Nội khẩn trương phối với với T.Ư để làm rõ định nghĩa “vùng dịch”, “ổ dịch” để từ đó có các phương án, biện pháp triển khai phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị: Các cấp các ngành quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô là mục tiêu tối thượng.
TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã điều tra dịch tễ, xét nghiệm y tế đối với các trường hợp F1, F2; tăng cường chỉ đạo giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình; thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế các trường hợp chống đối cách ly theo quy định. Tổ chức khoanh vùng dập dịch theo quy định của Bộ Y tế; xây dựng phương án khoanh vùng dập dịch theo quy mô dân số. Tổ chức cách ly tại gia đình nghiêm ngặt đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua 14 ngày…
Theo danh sách BV Bạch Mai cung cấp, trên địa bàn TP có 1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú và đến điều trị tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay. TP yêu cầu cách ly tại nhà đối với tất cả trường hợp trên, kể cả đây là người nhà đến trông nom; kể cả những trường hợp sinh viên y đang được đào tạo tại BV, người trông xe, người cung ứng lương thực, thực phẩm, lái xe taxi, người cung cấp thuốc, những người đến dự đám tang trong nhà tang lễ của BV…
TP giao Sở Y tế điều tra xét nghiệm mẫu để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; hướng dẫn triển khai các chỉ đạo xử lý việc lây nhiễm Covid-19 trong BV Bạch Mai theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương rà soát việc khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc các trường hợp nhập cảnh Việt Nam chưa qua 14 ngày…
Có chính sách chăm sóc đặc biệt cho các y bác sĩ
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo về việc phân luồng, phân tuyến khám bệnh cho Nhân dân; bổ sung đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Nâng công suất để có thể sàng lọc toàn bộ các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, các phương án phòng chống dịch, kể cả huy động cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng.
Đặc biệt, cần có phương án chăm sóc tốt hơn với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đảm bảo đội ngũ y tế có đủ sức làm việc lâu dài trong mùa dịch; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Đồng thời, xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch với mức độ cao hơn để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.