Bệnh tay chân miệng biến chứng nặng do vi rút EV71
Các năm trước ca mắc bệnh tay chân miệng biểu hiện qua da như bóng nước trên nền hồng ban lòng bàn tay chân, miệng, mông. Tuy nhiên, ca mắc bệnh năm nay biểu hiện ngoài da, niêm mạc ít thấy, chủ yếu biểu hiện ở thần kinh.
Kết quả giám sát
Sau khi ghi nhận 1 ca tử vong (4 tuổi) nghi do bệnh tay chân miệng tại La Gi vào ngày 20/6/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập đoàn giám sát để điều tra xác định nguyên nhân tử vong vào tuần thứ 4 của tháng 6/2023.
Bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa).
Với tiền sử dịch tễ, 2 tuần trước khi mắc bệnh, bệnh nhân không tiếp xúc, ăn uống, sinh hoạt chung với trẻ nghi mắc tay chân miệng. Trong phạm vi bán kính 100m kể từ nhà bệnh nhân chưa phát hiện trường hợp mắc tay chân miệng. Ngày 15/5/2023 trẻ có bị chó cắn 3 vết sâu ở cẳng tay, trẻ không được tiêm ngừa dại.
Đoàn giám sát thực địa tại hộ gia đình và khu vực nhà dân xung quanh nhà bệnh nhân tử vong. Cụ thể, ngày 15/5/2023, bệnh nhân bị một con chó trong xóm cắn (bé có chỉ cho ông ngoại con chó đã cắn bệnh nhân). Qua điều tra 2 con chó nghi ngờ cắn bệnh nhân, tính từ thời điểm cắn ngày 15/5/2023 đến ngày 18/6/2023, cả 2 con chó nhà hàng xóm đều còn sống và không có dấu hiệu bệnh lý gì. Nhận định con chó nhà hàng xóm nghi cắn bệnh nhân không mắc bệnh dại.
Giám sát tại bệnh viện, thông qua bệnh án lưu tại khoa và theo lời kể của bác sĩ phiên trực. Bệnh nhân có dấu hiệu co giật, sốt cao không rõ nhiệt độ, không ho, không nôn ói; phổi ít ran ẩm, bụng mềm; niêm mạc miệng có vết loét... với chẩn đoán theo dõi tay chân miệng độ 2B. Bác sĩ xử trí, sau đó chuyển viện. Trên đường chuyển viện, bệnh nhân đột ngột ngưng tim ngưng thở, quay về Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi xử trí, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh viện tiến hành kiểm thảo tử vong ca bệnh và chẩn đoán tử vong nghi do tay chân miệng độ 4.
Thông qua kết quả hội chẩn hồ sơ bệnh án, các triệu chứng lâm sàng, kết quả cận lâm sàng liên quan đến ca tử vong nghi bệnh tay chân miệng. Và kết quả giám sát thực địa, nhận định con chó nhà hàng xóm nghi cắn bệnh nhân không mắc bệnh dại. Đoàn giám sát thống nhất chẩn đoán bệnh nhân tử vong nghi nguyên nhân bệnh tay chân miệng.
Chiều hướng tăng vào tháng 6
Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận 117 ca mắc bệnh tay chân miệng, thì có 1 ca tử vong. Số ca mắc bệnh này có chiều hướng tăng vào tháng 5, tháng 6/2023. Cụ thể, tháng 5/2023 cả tỉnh ghi nhận 13 ca, tăng 7 ca so tháng trước; tuần 25 (19/6 - 25/6/2023) có 40 ca mắc, tăng 73,9% số ca so với tuần trước 23 ca. Các địa bàn có số ca mắc cao gồm Phan Thiết 28 ca, La Gi 19 ca, Hàm Thuận Bắc 23 ca.
Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận điều trị nội trú 21 ca tay chân miệng vào tháng 6/2023, cũng có ca trở nặng được chuyển tuyến trên kịp thời và đến nay sức khỏe tạm ổn. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2023, bệnh viện này tiếp nhận 7 ca nhập viện điều trị nội trú. Qua đó cho thấy số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng vào tháng 6/2023.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Vân - Phó Phụ trách Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận cho biết: Các năm trước ca mắc bệnh tay chân miệng biểu hiện qua da như bóng nước trên nền hồng ban, lòng bàn tay chân, miệng, mông. Tuy nhiên, ca mắc bệnh năm nay biểu hiện ngoài da niêm mạc ít thấy, chủ yếu biểu hiện ở thần kinh như giật mình, chới với; run chi, loạng choạng; một số biểu hiện tổn thương ở thân não như mạch nhanh, huyết áp cao, phù phổi; rối loạn vận mạch. Trong vòng 1 ngày, bệnh có thể chuyển từ độ 1 sang độ 4.
Theo bác sĩ Vân, chủng vi rút Coxsackievirus A16 biểu hiện hầu như ở da, ít biến chứng nặng. Còn chủng vi rút Enterovirus 71 (EV71) biểu hiện ở thần kinh dễ dẫn đến tử vong cao. Cách phòng ngừa bệnh này là người chăm sóc trẻ và trẻ phải rửa tay thường xuyên với xà phòng, nước sạch; cho trẻ ăn chín uống sôi; rửa sạch vật dụng, đồ chơi trẻ. Khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ, người chăm trẻ dùng cloramin B hoặc nước Javen lau sàn nhà, khử khuẩn; vệ sinh đồ chơi, đồ dùng; cách ly bé 7 - 10 ngày...