Bệnh viêm màng não ở trẻ em rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong
Viêm màng não ở trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương thường gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh nguy hiểm, bệnh thường diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Viêm màng não là gì?
Viêm màng não là phản ứng viêm của màng não và khoang dưới nhện, biểu hiện bằng tăng bất thường số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Hầu hết các trường hợp viêm màng não là do nhiễm virus, những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm cũng có thể dẫn đến viêm màng não. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, viêm màng não có thể điều trị khỏi trong một vài tuần hoặc có thể là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.
Theo số liệu thống kê từ 1981 - 1990 tại bệnh viện Nhi Trung ương, có 670 trẻ bị viêm màng não nhiễm khuẩn, trong đó tử vong 8,4%, di chứng lúc xuất viện 8,8%. Nghiên cứu của Phạm Nhật An và cộng sự từ 01/08/2010 - 30/07/2011, có 70 trẻ bị viêm màng não nhiễm khuẩn, trong đó 45/70 (64,3%) trường hợp khỏi hoàn toàn, 7 trẻ (10%) tử vong và 18 trẻ (25,7%) khỏi nhưng có di chứng về tinh thần hoặc vận động. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hà trên 86 trẻ viêm màng não do virus tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai năm 2016, trẻ nam chiếm đa số (81%), đa số gặp ở lứa tuổi 6 -12 tuổi (54/86 trẻ), nguyên nhân chủ yếu là Enterovirus (55%).
Tác nhân gây ra bệnh viêm màng não ở trẻ em
Rất nhiều tác nhân truyền nhiễm có thể gây viêm màng não ở trẻ em. Dưới đây là các căn nguyên gây viêm màng não thường gặp nhất ở trẻ em:
Virus: Viêm não Nhật Bản, quai bị, các loại Enterovirus (ECHO, Coxsackie), các loại virus Herpes, HIV, Adenovirus, bại liệt, dại.
Vi khuẩn: Hemophilus influenzae type B (HIB), Neisseria meningitidis, Streptococcus pneumoniae, Listeria monocytogenes, các liên cầu, lao, giang mai, Leptospira, Rickettsia, Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosae, các loại Salmonella, Klebsiella pneumoniae.
Ký sinh đơn bào và giun sán: Naegleria fowleri, Toxoplasma gondii, Angiostrongylus cantonensis, ấu trùng sán lợn (Toenia solium), giun xoắn (Trichinella spiralis), sán lá phổi (Paragonimus).
Nấm: Cryptococcus neoformans.
Ở trẻ em, vi khuẩn gây bệnh thường gặp thay đổi theo từng thời kỳ, lứa tuổi, vùng địa lý, tiêm chủng, cơ địa (chấn thương, tổn thương miễn dịch). 90% viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ em do vi khuẩn HIB, phế cầu hoặc não mô cầu. Tỷ lệ tìm thấy vi khuẩn gây bệnh còn thấp (30-50% ở các nước đang phát triển, 80-90% ở các nước phát triển).
Các yếu tố thuận lợi của viêm màng não ở trẻ em là gì?
- Tuổi: < 3 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh.
- Trẻ nam gặp nhiều hơn nữ.
- Tổn thương miễn dịch: đẻ non, suy giảm miễn dịch, cắt lách, suy dinh dưỡng…
- Nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng…
- Dị tật, chấn thương màng não: thoát vị màng não tủy, dẫn lưu não thất, chấn thương sọ não, thủ thuật chọc dò tủy sống.
- Môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém.
Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ em
Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm màng não ở trẻ em rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi, thời gian trước khi nhập viện và phản ứng của từng trẻ đối với tình trạng nhiễm trùng.
Sốt, nôn, đau đầu là ba biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm màng não. Trẻ có thể sốt cao, trẻ sơ sinh có thể sốt nhẹ hoặc vừa, hạ thân nhiệt trong những trường hợp nặng. Nôn tất cả mọi thứ, trẻ lớn có thể nôn vọt, nhiều lần và không liên quan đến bữa ăn, trẻ sơ sinh và nhũ nhi có thể bú kém hoặc bỏ bú, ọc sữa, bụng chướng. Trẻ lớn biểu hiện đau đầu theo cơn hoặc liên tục, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra: biếng ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón), ho, chảy nước mũi... là những biểu hiện ban đầu của viêm màng não trẻ em. Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp thông thường hay sốt do virus, ... Do đó, cần liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ kèm các triệu chứng kèm theo.
Các dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ em mà cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ như:
Co giật: toàn thân hoặc có thể khu trú ở tay, chân, mắt, miệng. Một số trường hợp trẻ có thể bị co giật đơn thuần do sốt cao, nhưng cũng có thể do rối loạn điện giải. Tuy nhiên trường hợp nào cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: ban đầu trẻ sẽ dễ bị kích động, sau đó trẻ có thể rơi vào tình trạng lờ đờ, ngủ li bì, hôn mê.
Trẻ có biểu hiện đau đầu, nôn, cứng gáy, sợ ánh sáng, liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở tay, chân hoặc nửa người.
Lưu ý, dấu hiệu viêm màng não trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ban đầu thường không rõ ràng và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác. Vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói, chưa biết thể hiện và diễn tả cụ thể nên cha mẹ cần hết sức chú ý để nhận biết được trẻ bị viêm màng não. Các biểu hiện viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: sốt cao hoặc hạ nhiệt độ, quấy khóc, ngủ gà, thóp phồng căng, giảm vận động, bú kém, cổ mềm.