Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 bị bỏ hoang 10 năm là 'lãng phí kép'

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm như trên và đề nghị Quốc hội lấy hai bệnh viện này làm nội dung điển hình để xử lý vấn đề thực hành chống lãng phí ngay sau kỳ họp thứ 8.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Trong hai ngày 4 và 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường để đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều hành ngân sách năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2025.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến xoay quanh câu chuyện phòng, chống lãng phí, trong đó có câu chuyện của Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (tại TP Phủ Lý, Hà Nam).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam là câu chuyện điển hình về lãng phí được các cử tri đề cập từ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần có ý kiến.

Nhấn mạnh việc hai bệnh viện này, với số tiền đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng và án ngữ trên khu vực "đất vàng" của nhân dân trong hơn 10 năm qua, ông Trí cho biết, các đại biểu đều thống nhất phải đưa nội dung này này vào nghị trường làm điển hình của chống lãng phí và giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc hai bệnh viện "đắp chiếu" 10 năm qua là một sự "lãng phí kép".

"Chuẩn bị toàn bộ tư liệu về đầu tư, đất đai, trang thiết bị, hư hại… để làm thủ tục, làm bằng chứng để xử lý lãng phí. Tiếp đó, được phần nào, hoạt động được cái gì thì khoanh lại, quy mô được bao nhiêu thì triển khai bấy nhiêu, có bao nhiêu giường bệnh thì dùng bấy nhiêu, mua sắm được bao nhiêu dùng bấy nhiêu…", ông Trí nói.

Từng là Viện trưởng một bệnh viện công là Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, vị đại biểu khẳng định, cơ sở vật chất y tế, nhất là máy móc thiết bị y tế nếu không dùng sẽ xuống cấp rất nhanh, đặc biệt, trang thiết bị cứ 2 năm sẽ lạc hậu. Do vậy, tùy theo nhu cầu thực tế sẽ mua sắm thêm trang thiết bị.

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 sau 10 năm vẫn bỏ hoang

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 sau 10 năm vẫn bỏ hoang

Trước đó, trong kiến nghị gửi sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hà Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đi vào hoạt động.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để sớm hoàn thành các hạng mục, đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hoạt động, ngày 21/2/2023, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư dự án.

Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận và hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả rà soát, trình Chính phủ, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và phương án khắc phục trong việc thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Đến nay, tổ công tác, Bộ Y tế rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, những khó khăn vướng mắc, tồn tại của việc triển khai thực hiện dự án, làm việc với các nhà thầu và đưa ra phương án xử lý, báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc và tiếp tục triển khai dự án đúng tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án trình Chính phủ từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Trước đó, Kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chiều 30/10, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Qua đó xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân.

Trước mắt cần rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, trong đó có các dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2…

Năm 2014, trong bối cảnh giảm tải bệnh viện tuyến cuối là vấn đề cấp bách, Chính phủ đồng ý cho phép xây 2 bệnh viện trung ương tại Hà Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Tp. Phủ Lý (Hà Nam) có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng mỗi bệnh viện, cùng khởi công xây dựng vào cuối năm 2014.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

Tuy nhiên, sau 10 năm, đến nay hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/benh-vien-bach-mai-va-viet-duc-co-so-2-bi-bo-hoang-10-nam-la-lang-phi-kep-post357409.html