Bếp ấm của mẹ

1. Từ khi lớn lên, hình ảnh mẹ trong tôi gắn liền với căn bếp. Hồi ấy, căn bếp ở cách gian nhà chính một đoạn, nhỏ và tối. Sau mỗi buổi đi học về, tôi chạy thục mạng từ nhà xuống bếp, gấp gáp gọi mẹ ơi, với một mong ước nhỏ nhoi là có món nào đó cho đỡ đói bụng.

Nếu nhà là nơi để người ta trở về nghỉ ngơi sau những mệt nhọc thì gian bếp chính là nơi giữ hơi ấm cho căn nhà đó. Ở nơi ấy, mẹ tôi nấu những bữa ăn hàng ngày, để rồi cả nhà được quây quần, ấm áp bên nhau. Tôi đã lớn lên cùng gian bếp đơn sơ với biết bao hương vị ngọt bùi là vậy.

Sau này, về làm dâu nhà chồng, cũng giống mẹ đẻ tôi, mẹ chồng luôn loay hoay trong gian bếp. Chỉ có điều, gian bếp đẹp với đủ đầy các tiện nghi. Nhiều khi thấy mẹ mệt mỏi tôi hỏi: Mẹ giao hết việc bếp núc cho 2 chị em con, nấu ngon thì gia đình ăn ngon, mà nấu chưa ngon thì chúng con học hỏi, nâng cao tay nghề để ngon hơn. Nhưng mẹ không đồng ý, mẹ bảo: ở nhà mẹ có việc gì đâu, để mẹ làm.

Bữa nào chúng tôi nấu ăn là mẹ xa gần nói về sự lãng phí và chưa phù hợp. Một mâm cơm là phải đủ các chất dinh dưỡng, gồm: bột đường, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin... “Các con không cân đối giữa các chất dinh dưỡng trong thực phẩm và số tiền bỏ ra thì chắc chắn thiếu trước hụt sau, hết tiền trước khi hết tháng. Không tận tâm với món ăn thì người được phục vụ không thấy sự ngọt ngào, đậm đà”.

Để có 3 bữa ăn trong một ngày đủ các tiêu chí như mẹ nói, mẹ phải sửa soạn từ sáng tới chiều. Ngày giỗ ông bà, mẹ mua đồ dự trữ nào măng, nào miến, và sửa soạn có khi trước cả tuần. “Thời mẹ, đói nhiều hơn no, nên nỗi lo lớn nhất là ngày mai đứt bữa”.

2. Như thường lệ, năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, càng gần đến Ngày Phụ nữ Việt Nam thì không khí hội hè càng rộn ràng hơn. Từ khi về hưu, mẹ chỉ tham gia duy nhất hội phụ nữ phường, chủ yếu vì bà bạn nhà kế bên vừa vận động vừa thúc ép.

Mấy nay mẹ ngồi tính toán chuẩn bị Bữa tối vui vẻ - một chương trình dự kiến sẽ được tổ chức nhân dịp tháng 10, tháng phụ nữ. 1 triệu mua gì đây để đảm bảo thịnh soạn mà vẫn đẹp mắt? Bài toán không hề dễ chút nào với một người cả đời phụ trách nấu nướng của cả gia đình?

Bố tôi thấy mẹ tay lăm lăm cuốn sổ, gạch gạch xóa xóa, miệng lẩm bẩm, bèn bảo: “Một triệu mà bà tính toán ghê thế. Bình thường, bữa ăn gia đình mình chỉ bằng 1/5, 1/10 mà bà vẫn đâu vào đấy, lại còn dư thừa hàm lượng chất đạm khiến bố con tôi tăng cân đều đặn mỗi năm”. - “Ông nói thế mà cũng được à. Thi phải có giải chứ, toàn những người đàn bà kỳ cựu, có thâm niên nội trợ như chúng tôi mà lại thua bọn trẻ là hơi bị buồn đó”. “Ôi trời, bệnh thành tích lan sang cả các bà nội trợ”.

Bố vốn là người kịch liệt phản đối mẹ tôi tham gia thi thố trong những ngày lễ, cái lý của ông đơn giản là một năm có 365 ngày, có ngày nào các bà không phải lo 3 bữa cho con cháu?. Ngày phụ nữ, hay tháng phụ nữ nhẽ ra các bà phải có dăm ba ngày được giải phóng khỏi nồi niêu, xoong chảo, mặc áo dài, trang điểm bớt những nếp nhăn, rồi xúng xính đến nơi này, nơi kia chụp ảnh, cười nói vui vẻ.

Mẹ tôi chẹp chẹp: “Ông chỉ có lý thuyết thế thôi. Tôi giao 3 bố con ông phụ trách 3 ngày nấu ăn, xem có ai không nhăn mặt nhé. Năm nào ông chả lên tiếng, nhưng thiếu tôi một bữa là bếp đã lạnh tanh, cả nhà ngồi chờ gọi đồ ăn shipper mang đến, vừa nguội vừa tốn tiền”.

Có lẽ vì thế mà bất cứ ngày nào, dù hội hè to cỡ nào đi nữa thì mẹ cũng chuẩn bị sẵn thức ăn để bố con tôi chỉ việc bật bếp và bày biện lên mâm. Hạnh phúc nào mà không có mẹ, người phụ nữ ấm áp nhất của gia đình.

BẢO ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bep-am-cua-me-33406.htm