Bí ẩn đằng sau bức tường ngôi mộ hơn 3.000 năm tuổi ở Thung lũng các vị Vua Ai Cập
Các nhà khảo cổ học cho biết họ đã phát hiện ra bằng chứng tiềm năng về những căn phòng ẩn sau bức tường của ngôi mộ nổi tiếng của Vua Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua của Ai Cập, mà một số người cho rằng có thể chứa mộ nữ hoàng Nefertiti.
Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi cựu Bộ trưởng cổ vật Ai Cập Mamdouh Eldamaty, đã quét các bức tường của lăng mộ của Pharaoh trẻ bằng cách sử dụng công nghệ radar xuyên mặt đất.
Theo nhóm nghiên cứu, những lần quét này cho thấy sự hiện diện của một không gian chưa được xác định trước đó gần với phòng chôn cất có kích thước cao khoảng 7 x 33 feet (2,13 x 10,05m) được báo cáo.
Điều này có thể hỗ trợ cho ý tưởng gây tranh cãi được đề xuất bởi một số nhà Ai Cập học rằng, các bức tường của ngôi mộ che giấu một mạng lưới các phòng ẩn, là nơi an nghỉ của Nữ hoàng Nefertiti mà chưa bao giờ được tìm thấy.
Vua Tutankhamun, thông thường được gọi là Vua Tut, đã trở thành người cai trị Ai Cập khi còn là một đứa trẻ vào khoảng năm 1332 trước công nguyên, nhưng chỉ trị vì cho đến năm 1323 trước công nguyên, chết ở tuổi 19.
Người ta không biết nhiều về Vua Tut cho đến khi ngôi mộ sang trọng của ông được phát hiện vào năm 1922 bởi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter, đưa Vua Tut trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của Ai Cập cổ đại.
Nefertiti là vợ của Vua Akhenaten (cha Vua Tutankhamun), người trị vì Ai Cập trong khoảng thời gian từ năm 1353 đến 1336 trước công nguyên. Bà cùng trị vì với chồng mình với tư cách Nữ chúa của Ai Cập.
Trong năm trị vì thứ năm sau khi Akhenaten chính thức đổi tên hiệu, Nefertiti được gọi với tôn hiệu Neferneferuaten Nefertiti. Sự đổi tên hiệu chính thức xác nhận quyền lực và ảnh hưởng ngang bằng, thậm chí vượt trội của Nefertiti đối với chồng mình. Bà vừa được miêu tả như một Vương hậu giúp đỡ chồng mình là Pharaoh, lại vừa xuất hiện trong vài tình huống vốn chỉ đặc quyền của một Pharaoh.
Nefertiti có cuộc đời bí ấn. Một số học giả tin rằng, bà đã từng trị vì với tư cách của một Pharaoh sau khi chồng mình qua đời. Sau đó, bà nhượng vị cho con rể là Tutankhamun và cũng là con chồng.
Tuy nhiên, Vua Tut có một người mẹ khác, biến Nefertiti thành mẹ kế của pharoah trẻ.
Mặt khác, Nefertiti cũng là mẹ vợ của Tut. Con gái bà, Ankhesenamun, là vợ của Tutankhamun, National Geographic đưa tin.
Những gì đã xảy ra với hài cốt của Nerfertiti sau khi bà qua đời đã được tranh luận từ lâu. Theo Eldamaty, một không gian ẩn được xác định trong các bản quét của họ cho thấy nó được kết nối vật lý với lăng mộ của Tutankhamun, được gọi bằng mã KV62.
Các phát hiện đã được trình bày trước Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập hồi đầu tháng 2.
Ray Johnson, một nhà Ai Cập học tại Viện Phương Đông của Đại học Chicago ở Luxor, Ai Cập, đánh giá cao phát hiện, cho rằng, có khả năng nữ hoàng Nefertiti có thể nằm trong không gian ẩn giấu, đồng thời lưu ý, căn phòng có thể thuộc về một ngôi mộ khác có lẽ là của Ankhesenamun.
Giống như Nefertiti, vị trí ngôi mộ của bà vẫn còn là một bí ẩn.
Vào năm 2015, nhà Ai Cập học, nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Arizona, Mỹ, tiến sĩ Nicholas Reeves là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về các phòng ẩn, có khả năng chứa ngôi mộ của Nerfertiti.
Dựa trên các bản quét độ phân giải cao của các bức tường ngôi mộ, ông tin rằng đã tìm thấy 2 lối đi bí mật trong lăng mộ Pharaoh Tutankhamun. Ông khám phá ra dấu tích của hai con đường mà những người xây dựng lăng mộ đã bịt kín lại. Một trong hai con đường này dẫn đến phòng chôn cất chưa hề bị đụng tới, nhiều khả năng có chứa thi hài Nefertiti.
Một số nhà Ai Cập học cho rằng nữ hoàng cai trị Ai Cập là Pharaoh trong một thời gian ngắn trước khi Tutankhamun lên ngôi.
"Nếu Nefertiti được chôn cất như một Pharaoh, thì đó có thể là khám phá khảo cổ lớn nhất từ trước đến nay", Reeve nói với Nature.