Bí ẩn hồ xương người trên dãy Himalaya

Hàng trăm bộ hài cốt kỳ dị trong lòng hồ Roopkund (Ấn Độ) đến nay vẫn là ẩn số với những nhà khoa học.

Vào năm 1942, một kiểm lâm Ấn Độ tên là H.K.Madhwal đã tình cờ phát hiện hàng trăm bộ xương người xếp chồng lên nhau tại hồ Roopkund. Khu vực này nằm sâu trong dãy Himalaya ở độ cao khoảng 4.800 m.

Phát hiện rùng rợn này đã thu hút nhiều sự chú ý và bắt đầu cho những cuộc điều tra, tìm hiểu kéo dài tới ngày nay.

Dãy núi chết chóc

Hồ Roopkund cách khu dân cư gần nhất ở bang Uttarakhand khoảng 50 km. Nhìn từ trên đỉnh Junargali, Roopkund như một viên ngọc xanh lam trong khung cảnh mênh mông của băng tuyết.

Khung cảnh hồ Roopkund vào mùa đông. Ảnh: BBC

Khung cảnh hồ Roopkund vào mùa đông. Ảnh: BBC

Việc leo dốc đến khu vực này đầy khó khăn và nguy hiểm. Các nhà leo núi thường nói đùa: Một bước sai lầm có thể dễ dàng bỏ mạng và bổ sung thêm vào đống xương hiện có trong hồ.

Ban đầu, những bộ xương được cho là của những người lính Nhật Bản hoặc thương nhân Tây Tạng trên Con đường Tơ lụa đã chết do dịch bệnh hoặc thời tiết. Nhưng sau khi phân tích pháp y, giả thuyết tốt nhất được đưa ra là hài cốt của một nhóm người hành hương Ấn Độ. Họ đã bị tấn công bởi trận mưa đá khổng lồ tại Roopkund vào Thế kỷ thứ 9.

Họ là tín đồ của đạo Hindu, được cho là đã tham gia cuộc hành hương diễn ra 12 năm một lần (gọi là Nanda Devi Raj Jat Yatra). Đây là một nghi lễ cổ xưa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hồ Roopkund nằm trên đường đến Homkund, điểm đến cuối cùng của hành trình đi bộ đầy gian nan này.

Nghiên cứu để tìm ra lời giải

Veena Mushrif-Tripathy, giáo sư khảo cổ tại Đại học Deccan ở Ấn Độ, thành viên của cuộc khảo sát năm 2004, kể lại nhóm nghiên cứu đã kết luận giả thuyết trên là hợp lý nhất. Họ cũng tìm thấy dấu vết của các nhạc cụ và cả câu chuyện dân gian cổ của những người hành hương Nanda Devi Raj Jat Yatra.

Qua phân tích DNA, Mushrif-Tripathy tiết lộ đây là một nhóm nam nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Công bố trên càng củng cố giả thuyết này.

Vào năm 2010, bộ gen người cổ đại đầu tiên được giải mã. Thành tựu này đã nhanh chóng thay đổi lại những nghiên cứu về việc phân tích xương trong quá khứ. Một lần nữa, bí ẩn Roopkund lại được nhắc tới.

Hàng trăm bộ xương người vẫn nằm rải rác trong và xung quanh hồ Roopkund. Ảnh: Indian Pictures RF

Hàng trăm bộ xương người vẫn nằm rải rác trong và xung quanh hồ Roopkund. Ảnh: Indian Pictures RF

Năm 2014, 38 mẫu xương lưu trữ tại Cơ quan Khảo sát Nhân loại học Kolkata của Ấn Độ đã được gửi đến 16 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Chúng được phân tích bộ gen và phân tử sinh học. 5 năm sau, kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nghiên cứu cho thấy, 38 bộ xương thuộc ba nhóm khác biệt về mặt di truyền. Họ đã tử vong hơn 1.000 năm trước, vào giữa thế kỷ 7 và 10 trong một hoặc nhiều sự kiện.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng tìm thấy một nhóm cá thể mới có nguồn gốc từ đông Địa Trung Hải ở đảo Crete. Những người này đã chết vào thế kỷ 19. Có một mẫu có nguồn gốc Đông Nam Á cũng từ thế kỷ 19.

Ayushi Nayak từ Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck cho biết: "Tại một địa điểm như Roopkund, nơi bối cảnh đã bị xáo trộn nhiều và khả năng khai quật toàn bộ là thấp, việc sử dụng aDNA (DNA cổ đại) cung cấp cho chúng tôi thông tin trực tiếp về gốc gác của những cá thể này".

Những bí ẩn vẫn tiếp tục

Theo BBC, sự hiện diện của các nhóm người không có nguồn gốc Ấn Độ tại hồ Roopkund là một cú sốc. Không có bất kỳ bằng chứng lịch sử nào giải thích những người này là ai và họ đang làm gì ở những vùng xa xôi của dãy Himalaya.

"Vẫn còn nghi vấn về nhóm người có nguồn gốc giống với tổ tiên của những người miền đông Địa Trung Hải ngày nay. Về lý do họ đến thăm Roopkund, liệu họ có phải là du khách châu Âu hay người dân địa phương có tổ tiên ở miền đông Địa Trung Hải? Liệu có các địa điểm khác ở khu vực này cũng có nhiều người chết như vậy?", Ayushi Nayak nói thêm.

Nhưng nguyên nhân của tất cả là gì? Nhóm người phía đông Địa Trung Hải, họ đã chết như thế nào? Có phải họ đã rơi từ sườn núi Junargali? Có thể một số người trong họ đã bị giết? Hoặc cũng có thể một số người trong đó đã chết vì chứng say núi cấp tính - điều quá phổ biến ở độ cao này.

 Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm lời giải cho bí ẩn hồ Roopkund. Ảnh: Priyanka Haldar Photography

Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm lời giải cho bí ẩn hồ Roopkund. Ảnh: Priyanka Haldar Photography

"Rất khó có việc 6-7 hộp sọ với chấn thương đều liên quan đến mưa đá”, Mushrif-Tripathy, cũng là thành viên của cuộc điều tra năm 2019, nói. Bà cũng chia sẻ thêm: "Theo tôi, bí ẩn vẫn chưa sáng tỏ. Chúng ta có nhiều nghi vấn hơn là câu trả lời".

Khu vực hồ Roopkund vẫn bị xáo trộn và không được bảo vệ. Trong nhiều năm, những bộ xương đã được người leo núi di chuyển khắp nơi và thậm chí mang về nhà làm quà lưu niệm. Điều này đặt ra thách thức để tìm ra câu trả lời chính xác trong tương lai, bất chấp những tiến bộ của khoa học.

Những điểm bất thường của nghiên cứu năm 2019 đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng điều quan trọng hơn là nếu chỉ phân tích 38 mẫu trong số hàng trăm bộ xương như vậy đã đủ để lý giải về bí ẩn ở hồ Roopkund. Liệu còn bất ngờ nào khác đang được chôn vùi trong ngôi mộ băng giá? Bí ẩn về những người chết vẫn chưa được giải thích.

Đỗ Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-an-ho-xuong-nguoi-tren-day-himalaya-post1252106.html