Bí ẩn loài họ hàng con người khai phá Đông Nam Á tận 13 triệu năm trước

Một hóa thạch thuộc về loài hoàn toàn mới vừa được phát hiện tại Ấn Độ, có con cháu ở Đông Nam Á ngày nay, đã lấp đầy các khoảng trống về thời gian, hình thái học và địa lý sinh học trong quá trình tiến hóa của Liên họ Người.

Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học Mỹ đã tái hiện lại sinh vật được đặt tên "Kapi ramnagarensis", tồn tại trên Trái Đất khoảng 12,5 đến 13,8 triệu năm về trước. Con cháu của Kapi ramnagarensis hiện nay phân bố chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Nó là một thành viên của Liên họ Người (Hominioidea), một liên họ tiến hóa từ vượn cổ đại, thuộc Bộ Linh trưởng. Liên họ này gồm 2 họ nhỏ hơn còn tồn tại là Hominidae (bao gồm chi Người có Homo sapiens chúng ta) và Hylobatidae (vượn).

Bản đồ cung cấp con đường di cư của loài vượn thân nhỏ cổ đại từ Trung Phi đến khu vực Đông Nam Trung Quốc, rồi lan rộng và "định cư" ở Đông Nam Á ngày nay - ảnh: Luci Betti-Nash

Bản đồ cung cấp con đường di cư của loài vượn thân nhỏ cổ đại từ Trung Phi đến khu vực Đông Nam Trung Quốc, rồi lan rộng và "định cư" ở Đông Nam Á ngày nay - ảnh: Luci Betti-Nash

Kapi ramnagarensis được tìm thấy tại Ramnagar (Ấn Độ), là một loài vượn thân nhỏ cổ đại. Theo tiến sĩ Christopher Gilbert từ Trường Đại học Hunter thuộc Đại học Thành phố New York (Mỹ) và Phân khoa Cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, hóa thạch họ sở hữu chỉ là một chiếc răng lạ lùng. Nhưng nó vô giá, bởi loài vượn nhỏ này hầu như chỉ là một khoảng trống trong hồ sơ hóa thạch. Người ta chỉ biết nó từng tồn tại ở Đông Nam Trung Quốc, và nay phân bố ở Đông Nam Á.

Tiến sĩ Alejandra Ortiz từ Viện Nguồn gốc con người (Đại học Bang Arizona, Mỹ), cho biết mẫu vật đã đẩy kỷ lục hóa thạch cổ nhất được biết đến của vượn lùi ít nhất 5 triệu năm, cung cấp một góc nhìn quan trọng về giai đoạn đầu lịch sử tiến hóa của các sinh vật linh trưởng cổ đại. Trước đó, hóa thạch của một số loài vượn lớn đã được tìm thấy trên cùng một tuyến đường.

Một điều thú vị là hóa thạch này đã hoàn thiện bản đồ di cư của loài này 13 triệu năm trước từ châu Phi đến Đông Nam Á. Và nó trùng khớp một cách kinh ngạc với "con đường tình yêu" mà một nhánh lớn Homo sapiens chúng ta di chuyển 50.000-55.000 năm về trước, nhiều lần hôn phối dị chủng để tạo ra người Đông Nam Á ngày nay mà một nghiên cứu lớn dẫn đầu bởi Trung tâm DNA cổ đại Châu Úc thuộc Đại học Adelaide (Úc), công bố bố trên PNAS năm ngoái.

Nghiên cứu mới của Mỹ vừa công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B.

Thu Anh (Theo Sci-News, Phys.org)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/bi-an-loai-ho-hang-con-nguoi-khai-pha-dong-nam-a-tan-13-trieu-nam-truoc-20200910142728273.htm