Bí ẩn thai phụ đã chết vẫn sinh con trong ngôi mộ 1.300 năm
Trong quá trình khai quật ngôi mộ 1.300 năm ở Italy, các nhà khảo cổ đã phát hiện hài cốt của thai phụ từng sống ở thế kỷ 7 - 8 cùng bộ xương của thai nhi.
Theo tờ Live Science, hài cốt 1.300 năm tuổi của một người phụ nữ với lỗ thủng trên hộp sọ và thai nhi nằm giữa hai chân được tìm thấy trong ngôi mộ đá chật hẹp bên dưới thị trấn trung cổ Imola ở Italy. Thai nhi giờ chỉ còn là một bộ xương nhỏ nằm rải rác bên dưới khung xương chậu của người mẹ, chắc chắn được sinh ra trong nấm mồ do hiện tượng mang tên "coffin birth" (sinh con trong quan tài).
Hiện tượng này khiến thai nhi chưa chào đời bị đẩy ra khỏi tử cung của người mẹ bởi khí tích tụ trong tử thi sau khi cả hai mẹ con cùng qua đời.
Ngôi mộ chứa hài cốt người mẹ và xương của thai nhi. (Ảnh: Daily mail)
Ngôi mộ được phát hiện năm 2010, nhưng cho đến nay, các nhà khảo cổ từ Đại học Ferrara và Đại học Bologna vẫn cố gắng khám phá bí ẩn về cái chết của hai mẹ con.
Theo các nhà nghiên cứu, hai bộ hài cốt đáng chú ý này có thể là một ví dụ thời Trung cổ của phương pháp phẫu thuật não nguyên thủy gọi là khoan xương (trepanation). Quá trình phẫu thuật bao gồm khoan hoặc đục một lỗ nhỏ trên hộp sọ của bệnh nhân để giảm bớt áp lực giúp điều trị nhiều loại bệnh. Nhưng trong trường hợp này, ca phẫu thuật đã thất bại.
"Giả thuyết của chúng tôi là thai phụ mắc bệnh tiền sản giật hoặc sản giật (hai chứng rối loạn thai nghén do huyết áp cao) và được điều trị bằng cách khoan xương trán để giảm áp lực nội sọ", nhóm nghiên cứu cho biết. "Dù có sự can thiệp, thai phụ không sống sót và chết với thai nhi trong tử cung".
Người phụ nữ nhiều khả năng ở độ tuổi ngoài 20 đến 30 và dường như mang thai sắp tới ngày sinh khi chết. Dù không thể xác định giới tính của thai nhi, kết quả đo xương đùi chỉ ra thai nhi gần 38 tuần tuổi.
Ở trên đỉnh hộp sọ người phụ nữ, các nhà nghiên cứu phát hiện một lỗ tròn nhỏ đường kính 4,6 mm, nhỏ hơn một chút so với đường kính của cây bút chì.
Do hộp sọ có dấu vết lành lại quanh vết thương, có thể lỗ khoan được tạo ra ít nhất một tuần trước khi người phụ nữ chết. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một vết cắt thẳng ở trên lỗ khoan vài centimet, có chiều dài chưa đến ba milimet. Họ cho rằng đây là khu vực nơi da đầu bị cắt hoặc cạo đi để chuẩn bị cho ca phẫu thuật hộp sọ.
Các nhà nghiên cứu nhận định có đủ bằng chứng chỉ ra vết thương ở đầu người phụ nữ do một quá trình phẫu thuật tương tự khoan xương gây ra.
Dù hiện tượng này được ghi nhận ở hơn 1.500 hộp sọ có niên đại từ thời Đồ đá mới, trường hợp thai phụ từ thời Trung cổ này vẫn là một bí ẩn. Các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu ca phẫu thuật diễn ra như thế nào.
Thực tế, hiện tượng này từng xảy ra không ít trong lịch sử. Vào năm 1551, một người phụ nữ Tây Ban Nha bị tra tấn và treo trên giá treo cổ, tuy nhiên 4 giờ sau khi chết, người ta nhìn thấy 2 em bé rơi ra khỏi bụng người mẹ trong tình trạng đã ngưng thở và vẫn lủng lẳng trên giá treo. Đây được coi là trường hợp sinh con sau khi chết đầu tiên được phát hiện và ghi nhận trong lịch sử.
Trường hợp tương tự xảy ra vào năm 1633 tại Brussels, Bỉ, một người phụ nữ chết do lên cơn co giật trong khi làm việc và cô đã hạ sinh một em bé 3 ngày sau đó.
Hầu hết chúng ta đềi biết rằng, sau khi con người chết đi thì quá trình phân hủy các mô và tế bào trên cơ thể bắt đầu. Nhưng đây chính là mấu chốt cho hiện tượng kỳ bí "sinh con trong quan tài".
Theo các nhà khoa học, khi quá trình phân hủy diễn ra, sự tăng lên nhanh chóng của số lượng vi khuẩn anerobic làm cho lượng khí oxy giảm đi đồng thời dẫn đến sự tích tụ của các chất khí như carbon dioxid và methane.
Các chất khí này không chỉ làm cho cơ thể sưng phồng lên mà nó còn có vai trò tương tự như các tác nhân dẫn đến những cơn co thắt trước khi sinh trên cơ thể phụ nữ trong quá trình sinh nở bình thường. Khi khối lượng các chất khí tăng lên sẽ tác động hay nói đúng hơn là tạo ra sức ép đẩy bào thai trong cơ thể mẹ ra ngoài. Như vậy hiện tượng có tên là sinh trong quan tài khá kỳ lạ này xảy ra trong quá trình phân hủy cơ thể người.