Bị can Vũ Huy Hoàng có thể đối diện mức án nào?
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Vũ Huy Hoàng (SN 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương); Hồ Thị Kim Thoa (SN 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) và Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí' theo khoản 3 (Điều 219, BLHS 2015).
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Được biết những vi phạm của ông Hoàng có liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Liên quan đến cá nhân cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trước đó vào tháng 11/2016, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011- 2016 đối với ông này. Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ ông Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Cụ thể, ông Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia hội đồng quản trị Sabeco để bầu làm thành viên hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Tháng 1/2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương.
Bình luận về vụ án mà ông Vũ Huy Hoàng vừa bị khởi tố, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.
Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.
Hành vi của tội phạm này thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.
Người thực hiện tội phạm phải đáp ứng điều kiện là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).
"Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Theo đó, chủ thể của tội danh này là người có chức vụ quyền hạn, ở đây phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vì động cơ cá nhân, vì vụ lợi hoặc vì lý do khác mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước, gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại đến tài sản nguồn thu cho ngân sách", luật sư Anh phân tích.
Cũng theo luật sư Anh, trong vụ án này, ngoài việc xem xét yếu tố về chủ thể, về vai trò, nhiệm vụ, chức năng trong việc quản lý tài sản nhà nước, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản bị thất thoát, lãng phí là bao nhiêu. Nếu trường hợp tài sản thất thoát, lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 10 năm đến 20 năm tù.
"Đối chiếu quy định trên thì nếu tài sản của nhà nước bị thất thoát từ 1.000.000.000 đồng trở lên, bị can có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù", luật sư Anh chia sẻ.
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.