'Bĩ cực' S-400 chưa qua, Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tay đe dọa Mỹ bằng kế hoạch khủng khiếp nhất
Hiện tại, đó vẫn là giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu được theo đuổi một cách trọn vẹn, nó sẽ trở thành một cơn ác mộng khác đối với phương Tây.
Rắc rối mới trong quan hệ Thổ-Mỹ
Có lẽ, vấn đề tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO xoay quanh vụ mua bán hệ thống phòng không S-400 của Nga chưa đủ rắc rối, nên giờ đây Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn tuyên bố muốn sở hữu thêm cả vũ khí hạt nhân.
Sau khi ca ngợi sự tiến bộ ngành công nghiệp quốc phòng đất nước trong bài phát biểu hồi tháng trước, ông Erdogan đã úp mở cho thế giới biết rằng, quốc gia này đang tính đến việc sở hữu thứ sức mạnh đáng sợ nhất.
“Chúng ta đã đi một chặng đường dài. Điều đó thật tuyệt. Tuy nhiên, một số quốc gia đã sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Chúng ta không có vũ khí đó. Điều này với tôi là không thể chấp nhận. Hầu như tất cả các nước phát triển đều có sức mạnh hạt nhân. Hãy nhìn vào Israel. Họ có vũ khí hạt nhân không? Họ có. Họ lấn át các quốc gia khác bằng cách sở hữu những thứ này”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng thống Erdogan tiếp tục nói về vấn đề này tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước. Ông gợi ý rằng, “năng lượng hạt nhân nên bị cấm đối với tất cả các quốc gia hoặc không thì cho phép tất cả các quốc gia sở hữu nó. Vấn đề hạt nhân là một trong số nhiều vấn đề tạo ra sự mất cân bằng và bất công toàn cầu”.
Mặc dù nhiều người cho rằng, những phát biểu trên khá là bình thường đối với một nhà lãnh đạo cá tính như ông Erdogan, nhưng vẫn có ý kiến quan ngại đây sẽ là một sự khởi đầu đáng chú ý cho tham vọng hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới quan sát, câu hỏi hiện tại không phải là Thổ Nhĩ Kỳ liệu có muốn sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, mà là khi nào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tờ Asia Times nhận định, đây là một sự phát triển nguy hiểm và không hề được mong đợi. Với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, câu chuyện về các quốc gia khao khát sở hữu sức mạnh hạt nhân càng gia tăng.
Không những vậy, Tổng thống Erdogan - một người theo chủ nghĩa dân tộc - rất coi trọng vị thế của vũ khí đáng sợ này.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ đến sức mạnh hạt nhân?
Thổ Nhĩ Kỳ muốn sở hữu sức mạnh này vì không được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương?
Không hoàn toàn là như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên vẫn là một thành viên quan trọng của NATO. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong số ít các quốc gia trong NATO mà Mỹ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Theo các ước tính, căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi chứa khoảng 50 quả bom hạt nhân B61 dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn của mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là phần lớn người Thổ Nhĩ Kỳ coi Mỹ là mối đe dọa an ninh quốc gia số 1 của đất nước họ.
Sự ủng hộ của quân đội Mỹ đối với người Kurd ở Syria rõ ràng đã biến thành cơn ác mộng cho mối quan hệ đối tác chiến lược truyền thống giữa hai nước.
Với logic này, hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, với việc Washington ủng hộ người Kurd độc lập thì chiếc ô hạt nhân mà NATO cung cấp cho họ cũng chẳng có ý nghĩa.
Cần phải nhớ rằng, sự mất niềm tin của Ankara với Washington không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, Ankara đã nghi ngờ về các cam kết của Mỹ.
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ không quên việc Mỹ từng tuyên bố thẳng thừng rằng, NATO sẽ không đến giải cứu Thổ Nhĩ Kỳ nếu cuộc xâm lược đảo Síp của nước này khiến Liên Xô phản ứng.
Sự hoài nghi của Ankara càng trở nên tồi tệ hơn khi trọng tâm các tính toán địa chính trị của Mỹ chuyển sang Trung Đông sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Vấn đề người Kurd chưa được giải quyết trong nước, cùng với thực trạng người Kurd ở Iraq và Syria trở thành đối tác yêu thích của Washington, đã luôn là cái gai trong mắt Ankara.
Cuối cùng, cuộc đảo chính thất bại năm 2016 đã làm phức tạp hơn nữa không chỉ là quan hệ song phương, mà còn là động lực để đưa ra câu hỏi về hạt nhân.
Một số chiếc F-16 của phe đảo chính đã cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik. Điều này đã nảy ra nhiều cáo buộc về sự đồng lõa của Mỹ.
Giả thuyết âm mưu này đã đạt được sức hút lớn hơn khi có quan điểm cho rằng, cuộc lật đổ đã được thực hiện bởi giáo sĩ lưu vong ở Mỹ có tên Fethullah Gulen.
Trước những bất ổn như vậy trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, không có gì ngạc nhiên khi một số nhân vật ở Washington đang đặt câu hỏi về việc liệu có phải là khôn ngoan khi giữ vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Cuộc tranh luận của người Mỹ về việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác cho Incirlik đang được theo sát ở Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra nhiều phản ứng phẫn nộ.
Cuộc khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ quanh thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, cũng như việc Ankara bị loại trong dự án phát triển F-35 đã một lần nữa làm trầm trọng thêm quan hệ hai nước.
Giọt nước đã tràn ly và Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia mang nặng chủ nghĩa dân tộc, đi cùng với một nhà lãnh đạo cá tính không kém như Tổng thống Erdogan đang cân nhắc về giấc mơ sở hữu sức mạnh hạt nhân.
Hiện tại, đó vẫn là giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu được theo đuổi một cách trọn vẹn, nó sẽ trở thành một cơn ác mộng khác đối với phương Tây.