Bị điều chuyển, tinh giản nếu chỉ đạt bậc 1-2/6, GV tiếng Anh ở Hòa Bình nói gì?
Trước việc giáo viên tiếng Anh nếu không đạt bậc theo yêu cầu sẽ bị điều chuyển hoặc thuộc diện tinh giản biên chế, thì giáo viên nơi đây có chia sẻ về vấn đề này.
Ngày 6/1 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản thực hiện yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông.
Theo đó, để nâng cao chất lượng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh, Sở Giáo dục chỉ đạo kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh. Khi có kết quả thì đánh giá năng lực giáo viên theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (A1, A2, B1, B2, C1, C2) hoặc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Kết quả năng lực của giáo viên cũng là tiêu chí để các trường đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức đối với giáo viên.
Sau khi kết thúc năm học 2021-2022 (trước thời điểm đánh giá viên chức), đối với giáo viên tiếng Anh dạy cấp Trung học phổ thông chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 2/6, giáo viên tiếng Anh dạy cấp Trung học cơ sở chỉ đạt năng lực bậc 1/6 và các giáo viên không tham gia đánh giá năng lực ngoại ngữ theo kế hoạch đã đăng ký thì xem xét xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với giáo viên được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không tham gia bồi dưỡng thì sẽ bị điều chuyển hoặc thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Việc đánh giá năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh của Sở Giáo dục tỉnh Hòa Bình thu hút sự quan tâm của dư luận xung quanh vấn đề này.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn B. (đều nghị không nêu tên - giáo viên dạy tiếng Anh một trường Trung học cơ sở tại huyện Cao Phong) hoàn toàn ủng hộ kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thầy B. cho hay, hàng năm Sở Giáo dục có 1 đến 2 đợt bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Anh, với giảng viên là người nước ngoài hoặc giáo viên từ Trường Đại học Ngoại ngữ về giảng dạy.
"Các giáo viên tiếng Anh lên thành phố để được bồi dưỡng trong vài ngày và sau khi học xong thì được cấp chứng chỉ bồi dưỡng. Đối với giáo viên trung học cơ sở như chúng tôi thì được học cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Tôi hiện đã đạt bậc 4/6", thầy B. chia sẻ.
Trong đợt bồi dưỡng các giáo viên, thầy B. cũng có gặp và trò chuyện với giáo viên chưa nâng được khung năng lực tiếng Anh, họ có chia sẻ về những khó khăn do bận rộn về gia đình.
Theo Sở Giáo dục thì trong năm học 2022-2023, giáo viên tiếng Anh khối trung học cơ sở chỉ đạt bậc 3/6 (tương đương B1 châu Âu) sẽ được đánh giá ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thầy B. cho rằng việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cho học sinh.
"Hiện tại chương trình sách giáo khoa cũng được thay đổi, nên nếu có đội ngũ giáo viên chuẩn thì chất lượng giảng dạy cũng sẽ được nâng cao", thầy B. chia sẻ.
Thầy B. cũng cho rằng, đối với kiến thức chương trình sách giáo khoa mới thì giáo viên trung học cơ sở cần phải đạt bậc 3-4 với kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thành thạo thì việc giảng dạy sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, đối với những giáo viên không đạt bậc theo yêu cầu sẽ bị điều chuyển hoặc thuộc diện tinh giản biên chế, thầy B. cho rằng mức xử lý tuy nghiêm khắc nhưng đúng quy định và cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chia sẻ thêm về sự việc trên, thầy Bùi Đức Thắng (nguyên Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Yên Thủy A) ủng hộ việc nâng bậc năng lực ngoại ngữ đối với giáo viên tiếng Anh, bởi lẽ chất lượng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh vẫn thấp và đây là một biện pháp để cải thiện chất lượng trong công tác giảng dạy.
"Điểm yếu nhất của học sinh trung học phổ thông miền núi là kĩ năng nghe, nói, vì vậy giáo viên cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy ở trên lớp", thầy Thắng chia sẻ.
Hàng năm, vào mùa hè thì giáo viên tiếng Anh được đi bồi dưỡng và sau đó làm bài thi.
"Việc tập huấn, bồi dưỡng của Sở đối với giáo viên tiếng Anh cũng tương đối bài bản. Các trường phải lập danh sách giáo viên được học bồi dưỡng, chứ không chấp nhận giáo viên tự đi học lấy chứng chỉ", thầy Thắng nói.
Thầy Thắng cho rằng, để tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh tham gia bồi dưỡng thì cũng cần có hỗ trợ về công việc, tiền bạc cho họ.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức bồi dưỡng trực tiếp, cũng có thể kết hợp bồi dưỡng trực tuyến, liên kết với các trường đại học để xây dựng hình thức bồi dưỡng phù hợp.
Trước thông tin từ năm học 2022-2023, Sở Giáo dục nâng bậc đánh giá theo khung năng lực đối với giáo viên môn tiếng Anh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, thầy Thắng cũng có băn khoăn là thời điểm của thầy học Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) học 5 năm nhưng khi ra trường không có chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.
Vì vậy, hiện nay cần xem lại đầu ra của các trường đại học, cao đẳng có tích hợp khung bậc năng lực ngoại ngữ hay chưa, để khi giáo viên vào giảng dạy sẽ đạt đúng trình độ.
"Việc đào tạo không tích hợp khung năng lực cho sinh viên trên giảng đường đại học, sẽ gây khó khăn cho giáo viên tiếng Anh khi phải đi bồi dưỡng nâng bậc, gây tốn kém thời gian và tiền bạc", thầy Thắng chia sẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, đến năm học 2022-2023, giáo viên tiếng Anh dạy cấp Trung học phổ thông chỉ đạt năng lực tiếng Anh bâc 4/6 được xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ, còn ở bậc 3/6 là không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với viên tiếng Anh dạy cấp Trung học cơ sở chỉ đạt năng lực tiếng Anh bâc 3/6, là hoàn thành nhiệm vụ, còn bậc 2/6 là không hoàn thành nhiệm vụ.
Tại văn bản số 792/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục về việc hướng dẫn thực hiện Yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông, yêu cầu về năng lực tiếng Anh đối với giáo viên tiếng Anh phải đạt bậc 4/6 (đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở), bậc 5/6 (đối với giáo viên trung học phổ thông) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tính đến thời điểm tháng 2/2021, cả nước có 16 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.