Bị khỉ nuôi 10 năm cắn, hai vợ chồng phải nhập viện cấp cứu
Chỉ trong 3 ngày từ 31/3 đến 2/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 2 trường hợp bị khỉ tấn công phải nhập viện. Đó là vợ chồng anh P.Đ.K và chị B.H.Y.T, thành viên của Hội cứu trợ động vật chó mèo.
Cụ thể, bệnh nhân đầu tiên là chị B.H.Y.T, 41 tuổi, được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng đa vết thương phức tạp ở tay trái và 2 chân do khỉ cắn. Chị T đã được phẫu thuật cấp cứu cắt lọc, xử lý vết thương, khâu nối gân gấp ngón cái, và các vết thương đùi cẳng chân 2 bên. Sau đó 2 ngày, anh P.Đ.K, chồng chị T, cũng nhập viện với tình trạng đa vết thương phức tạp 2 cẳng chân do khỉ cắn khi anh cố gắng đưa nó vào chuồng. Anh K cũng được phẫu thuật cắt lọc, xử trí và khâu thưa vết thương. Hiện tại, cả hai vợ chồng đang được theo dõi và chăm sóc vết thương tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng.
Theo chia sẻ của vợ chồng chị T, con khỉ được họ nhận nuôi gần 10 năm từ một cặp vợ chồng người nước ngoài. Trước đó, chú khỉ bị chó cắn gây hoại tử 2 chân trước và được bác sĩ thú y phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khỉ xổng ra ngoài khoảng 1 tuần và được bắt về cho vào lại chuồng. Từ đó, khỉ trở nên hung dữ và tấn công vợ chồng chị.
Theo các bác sĩ, trên thế giới, có rất nhiều trường hợp khỉ tấn công con người, bao gồm cả người già và trẻ em, gây ra hậu quả nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đang trở nên phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ tập tính, tâm lý và nguy cơ từ những con vật này. Điều này dẫn đến các trường hợp bị chính vật nuôi tấn công chủ hoặc người khác.
Bên cạnh đó, động vật hoang dã có thể mang nhiều mầm bệnh từ tự nhiên, đặc biệt trong dịch tiết, răng và móng. Do đó, khi bị động vật cào hoặc cắn, người dân không nên tự chăm sóc tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn xử trí, chăm sóc vết thương và tiêm ngừa.