Bị phạt khi ép người khác uống rượu, bia

Từ 15/11, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền. Ảnh minh họa

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia. Đó là một trong những nội dung của Nghị định 117/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Không được lôi kéo người khác uống rượu bia

Nghị định 117 này sẽ thay thế Nghị định 176 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Trong Nghị định 117 có một phần các quy định tại các điều 30-37, liên quan đến xử phạt hành chính về phòng chống tác hại rượu, bia.

Cụ thể, tại Điều 30 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); phạt với số tiền tương tự với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia.

Cũng tại Điều 31 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với các hành vi sau đây: Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật; mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật. Các hình thức quảng cáo rượu, bia trên phương tiện giao thông, quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em cũng bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Tại Điều 34 của Nghị định 117 cũng quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong điểm không uống, bán rượu bia thuộc quản lý, điều hành. Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Ông Huỳnh Văn Danh ở TX Đông Hòa, làm nghề lái ô tô tải đồng tình với Nghị định 117 của Chính phủ và kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực như Nghị định 100 về cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông. “Tôi mong rằng mọi người chấp hành nghiêm nghị định để góp phần hạn chế tình trạng rủ rê, kích bác người khác uống rượu bia như hiện nay”.

Có thể gây quá tải cho cơ quan xử phạt?

Liên quan quy định trên, theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên), nguyên tắc xử phạt hành chính là phải chứng minh lỗi và thu thập chứng cứ. Điều 114 Nghị định 117/2020 quy định cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Vì vậy, chứng cứ có thể được thu thập từ tin nhắn, cuộc gọi, camera, hình ảnh, clip hoặc người chứng kiến. Đồng thời, nguồn xử phạt vi phạm hành chính là từ tin báo tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị xử phạt của cơ quan nhà nước; cơ quan có chức năng tuần tra kiểm soát trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm; người vi phạm tự thú…

Từ đó, ông Quê nhìn nhận việc “tố giác” bạn nhậu cùng bàn là một việc hầu như rất khó xảy ra, trừ khi người tố có ý đồ trước để chuẩn bị các phương tiện ghi âm, ghi hình các hành động, lời nói lôi kéo, ép buộc uống rượu bia để có thể làm căn cứ cho cơ quan chức năng xử phạt sau này. Còn các nguồn tin báo còn lại “là chuyện hy hữu” nên cũng có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định vào thực tế.

Trong khi đó, luật sư Phạm Hồng Phúc (Chi nhánh Văn phòng luật sư Khẩn Vũ - TX Đông Hòa) cho rằng, văn hóa rượu bia là thuộc quy phạm đạo đức điều chỉnh. Quy phạm pháp luật sẽ điều chỉnh khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ việc uống rượu bia. “Chẳng hạn, người uống rượu bia gây tai nạn, vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự và kết tội. Và theo lời khai của người phạm tội, cơ quan chức năng sẽ thu thập chứng cứ để xử phạt hành chính người lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người phạm tội uống rượu bia”, luật sư Phúc nêu và lý giải thêm: “Người đủ 18 tuổi là người phải chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự, vì vậy không thể tố cáo rằng “tôi bị người đó xúi giục, lôi kéo, kích động uống rượu bia”, rồi buộc cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ. Như vậy là gây sự quá tải không cần thiết cho cơ quan xử phạt hành chính”.

Theo luật sư Phúc, luật ban hành thì phải có tính khả thi nhưng với quy định trên tưởng có tính răn đe, phòng ngừa, nhưng thực tế sẽ khó thực hiện và có thể sẽ gây quá tải cho cơ quan chức năng.

LỆ VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/248856/bi-phat-khi-ep-nguoi-khac-uong-ruou-bia.html