Bị quấy rối tình dục, hiếp dâm: Mấy người dám lên tiếng?

Nhiều người bị quấy rối tình dục, hãm hiếp nhưng không dám tố cáo vì sợ bị liên lụy tới bản thân và người thân. Không ít người đã tìm đến cái chết.

Ca sĩ Anh Khoa bị tố quấy rối tình dục phải công khai xin lỗi, “yêu râu xanh” hơn 70 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu ấu dâm gây phẫn nộ dư luận, và gần đây là một tài xế Grabbike 30 tuổi thừa nhận hành vi quấy rối tình dục khách hàng 9 tuổi bằng lời nói đã bị công an triệu tập. Hàng loạt vụ việc khiến xã hội lo lắng về tình trạng ấu dâm, xâm hại, tấn công tình dục.

Chưa hết, dư luận cũng đang rất quan tâm đến vụ người mẫu ảnh nude Kim Phượng lên tiếng tố bị một họa sĩ nổi tiếng hiếp dâm lúc cả hai cộng tác vẽ body painting.

Nạn nhân bị xâm hại tình dục thường rất sợ hãi, không dám tố cáo.

Những nạn nhân dám đứng ra tố cáo đã nhận không ít điều tiếng trái chiều, trong đó có không ít bình luận tỏ ý dè bỉu, khinh miệt các nạn nhân và đặt những nghi vấn có sự mờ ám trong tố cáo của họ. Đặc biệt, nhiều người đặt nặng vấn đề tình – tiền, mục tiêu tiến thân của những người dám lên tiếng tố cáo kẻ xâm hại tình dục.

Đằng sau hành động dũng cảm đó, những nạn nhân đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục thời gian qua phải đối mặt với quá nhiều thị phi. Họ và cả người thân đang đứng trước những rào cản, áp lực xã hội. Nếu ai đó bị hãm hiếp thì nhiều người nghĩ ngay tới việc cô gái đó dễ dãi; bị quấy rối tình dục thì lập tức qui chụp là lẳng lơ, muốn tiến thân bằng “vốn tự có”… Đây cũng chính là cơ hội để những kẻ có máu “dê”, những kẻ suy đồi đạo đức lợi dụng, cố tình vi phạm mà không sợ bị trừng trị.

Khi mà pháp luật chưa nghiêm, xã hội nhận thức chưa đầy đủ về những áp lực tâm lý về thể xác và tinh thần vô cùng khủng khiếp mà các nạn nhân phải trải qua thì nạn xâm hại, quấy rối tình dục không thể bị đẩy lùi.

Ai cũng biết, những cô gái, những chị em phụ nữ có ngoại hình ưa nhìn một chút thường là mục tiêu tấn công tình dục. Thế nhưng, có mấy ai trong số họ dám lên tiếng tố cáo, bởi họ chỉ muốn được yên thân hoặc quá sợ hãi. Nhiều chị em chỉ dám rỉ tai với nhau về một kẻ nào đó rất dâm ô, “dê tính”, đã từng bị vuốt ve, sờ soạng một cách có chủ ý.

Vì sao họ lại sợ tố cáo, sợ chống lại cái ác đến như vậy? Bởi, ra pháp luật phải có tang chứng, vật chứng rõ ràng. Nếu chỉ tố cáo “bằng lời” thì chẳng ai tin. Trong khi đó, việc thu thập chứng cứ trong những vụ việc như thế này không hề đơn giản, nhiều khi là không thể có. Thêm nữa, rất nhiều kẻ tấn công, lạm dụng tình dục phái yếu thường là những kẻ có quyền lực, có tiền bạc hoặc có sức mạnh nào đó khống chế được nạn nhân.

Chúng ta cần đứng về phía những người dám công khai hình ảnh, lời nói và cả câu chuyện xảy ra đến với mình để bảo vệ lẽ phải, nhân phẩm của phụ nữ. Bởi thực tế đã có quá nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến các trẻ em gái, những phụ nữ bị xâm hại, quấy rối tình dục. Nhiều nạn nhân bị đe dọa, sống khép kín, chai lì cảm xúc, có khi tìm đến cái chết hoặc rơi vào các cạm bẫy khác, trở thành gái bán dâm… vậy nên, chỉ khi nào xã hội không miệt thị, cay nghiệt với những người dám tố cáo, công khai sự thật thì mới góp phần giảm bớt những hành động vô đạo đức của những kẻ “mặt người, dạ thú”, nhục dục chi phối mất nhân tính.

Ngoài việc giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ những kỹ năng phòng vệ, bảo vệ bản thân, cách tố cáo kẻ dâm dục nếu chẳng may bị xâm hại thì pháp luật phải nghiêm trị, xã hội cùng chung tay bảo vệ những trẻ em gái và phụ nữ, chắc chắn “yêu râu xanh” sẽ không dám lộng hành./.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog/bi-quay-roi-tinh-duc-hiep-dam-may-nguoi-dam-len-tieng-764961.vov