Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng'. Xác định tầm quan trọng của chi bộ, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, đưa chỉ thị, nghị quyết, các chính sách vào cuộc sống, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm củng cố chi bộ, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của các chi bộ thôn, tổ dân phố (gọi chung là chi bộ thôn), củng cố nền móng vững chắc của Đảng.

Bài 1: Thực trạng chi bộ trước khi hợp nhất

Trong một thời gian dài, nhiều địa phương trong tỉnh tồn tại thực trạng một thôn cùng lúc có nhiều chi bộ, dẫn đến những bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc ở cơ sở.

Cồng kềnh một thôn nhiều chi bộ

Với vai trò là nền móng của Đảng, chi bộ thôn có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự; trực tiếp tuyên truyền Nhân dân và tổ chức Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, một thôn tồn tại cùng lúc nhiều chi bộ dẫn đến những khập khiễng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu thống nhất, đồng bộ trong triển khai, điều hành công việc ở cơ sở.

Thảo luận, thống nhất nội dung công việc tại Chi bộ thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động)

Thảo luận, thống nhất nội dung công việc tại Chi bộ thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động)

Thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động) là thôn lớn với khoảng 3.000 nhân khẩu. Từ năm 2018 trở về trước, thôn có 6 chi bộ. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dưỡng Phú cho biết, thời điểm đó tôi là trưởng thôn Dưỡng Phú. Là chi bộ nông thôn nên lịch sản xuất rất quan trọng. Tuy nhiên, 6 chi bộ, mỗi chi bộ có nghị quyết lãnh đạo riêng, lịch gieo cấy không thống nhất, nên trưởng thôn chỉ đạo, điều hành rất vất vả, công việc không tập trung. Việc thôn có nhiều nghị quyết khiến công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội cũng bị phân tán. Ngược lại, 1 vấn đề trưởng thôn phải báo cáo, xin ý kiến 6 chi bộ, phải dự họp triển khai ở 6 chi bộ. Ở nhiều nội dung khác, các chi bộ không tìm được tiếng nói chung. Hoặc có vấn đề triển khai ở một chi bộ thì không được thông tin rộng rãi đến đảng viên của toàn thôn. Hiệu quả lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ đó còn hạn chế.

Dưỡng Phú là một điển hình trong những thôn có nhiều chi bộ ở thời điểm trước đây. Đối với những thôn này, mô hình tổ chức chi bộ không đồng bộ với mô hình các tổ chức khác ở thôn dẫn đến tổ chức bộ máy cồng kềnh, mối quan hệ giữa các bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn thiếu thống nhất. Vai trò lãnh đạo của một số chi bộ đối với thôn và tổ chức ở thôn còn mờ nhạt, kém hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo đối với nhiệm vụ chung của thôn chưa bảo đảm sự thống nhất, chưa sát, thiếu tính thực tế, chưa bao quát được các nhiệm vụ chính của thôn, còn lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên; có vụ việc nổi cộm không giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp.

Tính đến tháng 8/2018, toàn tỉnh 1039 chi bộ thôn, trong đó 41 thôn có 2 chi bộ/thôn, 26 thôn có 3 chi bộ/thôn, 15 thôn có 4 chi bộ/thôn, 7 thôn có 5 chi bộ/thôn, 1 thôn có 6 chi bộ, 1 thôn có 7 chi bộ. Toàn tỉnh có 864 thôn, 844 trưởng thôn, trong đó 83 trưởng thôn đồng thời là bí thư chi bộ, 216 trưởng thôn chưa là đảng viên.

Hạn chế trình độ của đội ngũ bí thư, trưởng thôn

Cơ sở là nơi thực tiễn diễn ra sinh động, nơi trực tiếp kiểm nghiệm tính đúng đắn trong đường lối, nghị quyết của Đảng. Kết quả kiểm nghiệm đó phụ thuộc vào cách đưa đường lối, nghị quyết vào cuộc sống và là thước đo hiệu quả hoạt động của chi bộ, thôn, ban công tác MTTQ và các chi hội chính trị - xã hội thôn, trực tiếp là bí thư chi bộ, trưởng thôn. Trong khi đó, vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ thôn chưa thực sự được coi trọng. Chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn với chi bộ thôn và thôn còn hạn chế; sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp trên với chi bộ thôn và thôn chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ. Nhiều địa phương khó khăn trong việc bố trí bí thư chi bộ, trưởng thôn.

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn An Khải, xã Bắc Sơn (Ân Thi) (ảnh minh họa)

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn An Khải, xã Bắc Sơn (Ân Thi) (ảnh minh họa)

Độ tuổi trung bình của đội ngũ bí thư chi bộ có xu hướng ngày càng tăng. Đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh. Năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn của một bộ phận bí thư chi bộ thôn còn hạn chế, chưa nắm chắc hoặc chậm cập nhật các quy định, chủ trương, chương trình, kế hoạch công tác của đảng ủy xã. Do đó, ban hành nghị quyết lãnh đạo của chi bộ chưa cụ thể, thiếu thực tiễn; có nơi ban hành không đúng thẩm quyền.

Một bộ phận trưởng thôn hạn chế về năng lực, trình độ, am hiểu pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; việc tổ chức thực hiện chương trình công tác chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Một số nơi vẫn còn cán bộ thôn vi phạm trong quản lý đất đai, tài chính, thực hiện chính sách xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của chi bộ. Việc duy trì nền nếp giao ban giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn, nhất là đối với thôn có nhiều chi bộ và những thôn mà trưởng thôn không phải là đảng viên chưa thường xuyên. Sự phối hợp công tác giữa một số bí thư chi bộ với trưởng thôn còn thiếu sự thống nhất nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, của thôn chưa cao.

Tổng hợp thời điểm tháng 8/2018, toàn tỉnh có 1.039 bí thư chi bộ. Trong số đó, 55,32% chưa qua đào tạo chuyên môn; 10,05% chưa qua đào tạo lý luận chính trị; người có trình độ sơ cấp là 73,8%; độ tuổi trên 65 chiếm 12%. Đối với đội ngũ trưởng thôn, toàn tỉnh có 844 trưởng thôn, trong đó trưởng thôn chưa là đảng viên chiếm 25,6%, trưởng thôn có trình độ chuyên môn sơ cấp là 22,86%, chưa qua đào tạo 61,13%; trưởng thôn có trình độ lý luận chính trị sơ cấp 60,79%, chưa qua đào tạo 33,1%; trưởng thôn tuổi từ 61 trở lên chiếm 24,3%. 20 thôn không có trưởng thôn.

Nhóm PV

Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn:

Bài 2: “Mở lối” khắc phục khó khăn

https://baohungyen.vn/bai-2-mo-loi-khac-phuc-kho-khan-3173982.html?preview=true

Bài 3: Bước chuyển mới sau Chỉ thị số 31-CT/TU và Đề án số 10-ĐA/TU

https://baohungyen.vn/bai-3-buoc-chuyen-moi-sau-chi-thi-so-31-ct-tu-va-de-an-so-10-da-tu-3173983.html?preview=true

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bai-1-thuc-trang-chi-bo-truoc-khi-hop-nhat-3173981.html