Bí thư Hà Nội: Phúc Thọ phải quyết tâm xử lý 'cát tặc' trên sông Hồng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu huyện Phúc Thọ chủ động đề ra giải pháp, quyết tâm, tập trung khắc phục, nhất là những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai và ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng.
Sáng 31/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với huyện Phúc Thọ. Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng cho biết, năm 2020, Huyện ủy Phúc Thọ đã lãnh đạo và triển khai toàn diện các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của huyện còn thiếu đồng bộ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ, chưa phát triển; nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Huyện ủy Phúc Thọ kiến nghị cho phép lập, trình thành phố phê duyệt quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ; tháo gỡ khó khăn về quy hoạch thoát lũ để xây dựng các công trình y tế, giáo dục, văn hóa đối với 8 xã vùng bãi; sớm triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông khung giai đoạn 2021-2025...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện Phúc Thọ trong năm 2020. Đặc biệt, mặc dù là 1 trong 9 quận, huyện cần phải quan tâm, song Phúc Thọ đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, gắn với xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp, tồn đọng.
Xử lý dứt điểm nạn cát tặc
Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Phúc Thọ chủ động đề ra giải pháp, quyết tâm, tập trung khắc phục, nhất là những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai và ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Huyện ủy Phúc Thọ phải nhận thức rõ hơn về điều kiện, đặc thù, vị thế của huyện. Đó là huyện nông nghiệp nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô; mật độ dân số không cao; giao thông khá thuận tiện; huyện có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, nhiều di tích văn hóa giá trị, lễ hội truyền thống, làng nghề nổi tiếng...
Ông Huệ yêu cầu huyện đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ, Quy hoạch khu sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận và Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.
Ông Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị giải quyết một số kiến nghị của huyện. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo thành phố để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, không chỉ có ý nghĩa đối với Phúc Thọ, mà còn với sự phát triển cả khu vực Tây Bắc của thành phố, trong đó có dự án nâng cấp quốc lộ 32 và xây dựng đường trục Tây Thăng Long. Sở Công Thương cần quan tâm, triển khai xây dựng các chợ còn thiếu trên địa bàn huyện Phúc Thọ để phát triển thương mại, dịch vụ. Các quận theo phân công quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, trung tâm văn hóa huyện để diện mạo Phúc Thọ ngày càng khởi sắc hơn.
Theo ông Huệ, Phúc Thọ cần phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới điển hình, kiểu mẫu của không chỉ thành phố, mà còn của cả nước; thực sự là vành đai xanh của Thủ đô. Muốn vậy, huyện quan tâm tái cơ cấu sản xuất, hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Huyện ủy Phúc Thọ phải trở thành trung tâm phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; kiên trì, kiên quyết thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng như dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã lưu ý, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Cùng với đó, phải thường xuyên rà soát, đánh giá, xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh gắn với giải quyết những vụ việc còn tồn đọng, những vấn đề dân sinh bức xúc theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy.