Bí thư Quảng Bình chỉ đạo làm rõ điều bất thường 2 dự án rà phá bom mìn
Công an Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu BQL dự án giữ nguyên hiện trường để phục vụ công tác điều tra dấu hiệu tội 'tham ô tài sản' và 'thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'.
Tiếp nhận thông tin từ báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã chỉ đạo UB Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc.
Sau khi xác minh, nhận thấy những bất thường tại 2 dự án rà phá bom mìn (RPBM) tại BQL dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, UB Kiểm tra đã có văn bản chuyển cơ quan CSĐT Công an tỉnh để thụ lý.
Ngày 12/8, Cơ quan CQĐT Công an tỉnh đã có văn bản gửi BQL dự án dự án đề nghị giữ nguyên hiện trường 2 gói thầu DH/NC1 và DH-3.1 để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Đồng thời, đề nghị BQL dự án thông báo cho các chủ thầu, các đơn vị thi công của các gói thầu tiếp theo không thi công trên mặt bằng của 2 gói thầu nói trên khi cơ quan CQĐT Công an tỉnh chưa tiến hành giám định.
Như đã phản ánh, 2 gói thầu RPBM ở TP Đồng Hới, dù Bộ Quốc phòng chưa có quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công nhưng đơn vị thi công và BQL dự án vẫn “bắt tay” để thi công.
Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị thi công đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ và hồ sơ có nhiều dấu hiệu bất thường.
Mặc dù 21/12/2018 mới ký hợp đồng chính thức, nhưng 2 dự án đã được tổng công ty Trường Sơn thi công từ ngày 6/12 trên cơ sở “hợp đồng nguyên tắc”, lúc này chưa có dự toán, chưa có phương án kỹ thuật được phê duyệt.
Văn bản như mưa những ngày cuối năm
Hồ sơ hoàn công hai gói thầu RPBM DH-3.1 và DH/NC1 thể hiện những ngày cuối tháng 12/2018, BQL dự án, đơn vị thi công và tư vấn giám sát đã làm việc một cách thần tốc không tưởng.
Chỉ trong hai ngày 29 và 30/12/2018, BQL dự án, đơn vị thi công và đơn vị giám sát đã cho ra đời gần 30 biên bản, văn bản các loại. Từ nghiệm thu khối lượng, bàn giao mặt bằng đã được RPBM, cam kết an toàn, cho đến đề nghị thanh toán.
Đơn cử, đối với gói thầu DH/NC1, sau khi thực hiện nghiệm thu nội bộ, ngày 29/12/2018, tổng công ty Hợp tác kinh tế, Quân khu 4 (đơn vị giám sát) và đơn vị thi công đã có biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn thi công thứ 2.
Sáng cùng ngày, đơn vị giám sát và đơn vị thi công đã nghiệm thu cọc BTXM chôn mốc đường bao. Biên bản chiều cùng ngày thể hiện, tổng công ty Hợp tác kinh tế kiểm tra xác suất kỹ thuật tại hiện trường. Tiếp đó là biên bản nghiệm thu kỹ thuật.
Sau khi hoàn thành các thủ tục trên, ngay trong ngày hôm đó, đơn vị thi công đã có văn bản yêu cầu được nghiệm thu hoàn thành dự án gửi BQL dự án.
Hôm sau, giữa BQL dự án, đơn vị thi công, đơn vị giám sát đã tiến hành nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành. Cũng ngay trong sáng 30/12, giữa 3 bên còn lập thêm biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình để đưa vào sử dụng.
Cùng ngày đã có biên bản bàn giao mặt bằng đã được RPBM, vật nổ. Xong các thủ tục trên, ngay trong 30/12, đơn vị thi công đã ra ngay bản thông bán an toàn và bản cam kết an toàn gửi BQL dự án.
Sau đó, Trung tá Phan Văn Thành, Giám đốc chi nhánh miền Trung (tổng công ty Trường Sơn) đã ký giấy đề nghị thanh toán số tiền 5,6 tỷ gửi BQL dự án.
Cũng trong ngày 30/12, ông Nguyễn Văn Thuận (lúc này là Giám đốc BQL dự án) đã cùng đơn vị thi công ký biên bản nghiệm thu thanh toán số tiền gần 5,1 tỷ đồng (chủ đầu tư giữ 10% bảo hành).
Các thủ tục trên cũng được tiến hành tại gói thầu Dh-3.1 và cũng đã đề xuất thanh toán trước ngày 31/12/2018.
Áp lực giải ngân
Ông Lê Anh Tuân, Phó giám đốc BQL dự án cho biết, 2 gói thầu RPBM là đặc thù, do Bộ Quốc phòng chỉ định đơn vị vào thực hiện. Còn các thủ tục về đấu thầu thuộc trách nhiệm của Giám đốc BQL dự án tiền nhiệm.
Ông Tuân thừa nhận có thực tế thi công, nghiệm thu giai đoạn trước, ký hợp đồng chính thức sau.
Theo ông, BQL dự án chỉ thực hiện việc giám sát theo hợp đồng đã ký, còn về kỹ thuật đã có tổng công ty Hợp tác kinh tế chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Giám đốc BQL dự án (nghỉ hưu từ ngày 30/4/2019) đã xác nhận ông chính là người ký các thủ tục ban đầu với đơn vị thi công.
Tuy nhiên, ông Thuận khẳng định, do gói thầu đặc thù nên việc chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát là do BQP chỉ định. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng là… thủ tục.
Ông Thuận cũng thừa nhận, do áp lực tiến độ nên có làm hơi nhanh. "Khối lượng, hồ sơ phải chốt trước ngày 31/12, chậm hơn thì không thanh toán được", ông Thuận nói.
Cũng theo nguyên giám đốc BQL dự án, việc giám sát kỹ thuật là do tổng công ty Hợp tác kinh tế thực hiện. BQL dự án chỉ tất toán dựa trên hồ sơ xác nhận của giám sát.
Ông Võ Đình Giang, Trưởng phòng kĩ thuật, Xí nghiệp Rà phá bom mìn, Tổng Công ty Hợp tác kinh tế QL4 - đơn vị được giao lập phương án kĩ thuật, giám sát thi công hai dự án RPBM cho rằng 2 dự án RPBM được thực hiện theo đúng trình tự.
Quá trình giám sát thi công, đơn vị cử 10 người giám sát các đội thi công ở 2 dự án, trong đó có 2 giám sát chỉnh và 8 giám sát phụ. Các công đoạn đều được chụp hình lưu giữ.
Theo ông Giang, việc định mức khoan tạo lỗ và chi phí là do Viện kinh tế đưa ra.
Trên thị trường đã có thiết bị có thể rà tới độ sâu 10m, không cần khoan tạo lỗ, tuy nhiên theo ông Giang, do hiện chỉ có Bộ Tư lệnh Công binh là có loại mày này.
“Chỉ mới nghe là có thiết bị này chứ chưa nhìn thấy”, ông Giang nói lý do không đề xuất dùng máy để thay thế phương pháp khoan, giảm chi phí.
Trước những thông tin về 2 dự án RPBM có dấu hiệu bất thường, Binh đoàn 12 đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Bình, khẳng định việc thực hiện dự án đúng quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng và Chính phủ.
"Trong quá trình thi công dự án, đơn vị đã thực hiện đúng phương án kỹ thuật được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đồng thời đúng quy định hiện hành và được chấp thuận nghiệm thu", văn bản của Binh đoàn 12 nêu.