Bí thư Thành ủy TP HCM: Ngăn chặn dịch Covid-19 từ đầu, không để lây lan
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Covid-19 là loại dịch bệnh cần nhiều người để chăm sóc, chữa trị. Nếu TP phải chăm sóc cho cỡ 1.000 người bệnh thì đó thật sự là một gánh nặng không dễ.
Chiều 25-2, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP HCM đã tổ chức cuộc họp về phòng chống Covid-19. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP đã mời Thường trực Thành ủy TP HCM cùng dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cái gốc vấn đề là phải ngăn chặn từ đầu, không để lây lan sang người mới, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Từ thực tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, việc ngăn chặn dịch ngay từ đầu là vô cùng quan trọng.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, Covid-19 là loại dịch bệnh cần nhiều người để chăm sóc, chữa trị. Lấy ví dụ cụ thể trường hợp 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh ở TP HCM vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy phải dùng cả một khoa. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca phải có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá hùng hậu. Nếu TP phải chăm sóc cho cỡ 1.000 người bệnh thì đó thật sự là một gánh nặng không dễ.
"Đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người là không thể giống nhau được" - ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Ngoài ra, lượng bác sĩ, nhân viên y tế, số giường bệnh trong khu cách ly phục vụ chữa Covid-19 cũng rất lớn. Trong khi đó, tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TP chỉ khoảng 1.000.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết vì thế, áp lực đặt trên vai của chủ tịch quận - huyện, phường - xã là vô cùng lớn để phát hiện, ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu những người có nguy cơ bệnh.
Thông tin rõ hơn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay, TP có 600 giường bệnh tại khu cách ly các bệnh viện quận, huyện và TP. Thêm 300 giường từ bệnh viện dã chiến, tức TP chỉ có thể cách ly 900 người nghi nhiễm hoặc nhiễm. Nếu con số này cao hơn thì sẽ vô cùng khó khăn cho TP.
Khả năng này khá cao nếu với 322 phường - xã, chỉ cần bình quân mỗi nơi có 3 người bị nhiễm, tức con số cần cách ly điều trị xấp xỉ 1.000 người. Như vậy, chuyện quá tải toàn bộ hệ thống cách ly cho TP 10 triệu dân này có khả năng xảy ra và nguy cơ lây lan hết sức cao. Chưa kể, một ca nhiễm cần 20 ngày điều trị cách ly. Mỗi ngày cần 12 bác sĩ, điều dưỡng phục vụ. Nếu TP có 1.000 người thì không thể kiếm đâu ra số bác sĩ, điều dưỡng tương ứng.
"1.000 người bệnh - đó là giới hạn đỏ của TP. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận" - ông Nguyễn Thành Phong cảnh báo.
TP HCM chưa chốt ngày đi học trở lại
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, những đề xuất của Sở GD-ĐT là các phương án chuẩn bị. Việc cho học sinh đi học trở lại vào ngày nào phải chờ quyết định từ Chính phủ. Hiện Chính phủ chưa chốt ngày học sinh đi học lại. Khi Thủ tướng có quyết định về lịch học thì TP sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp.
Nếu Chính phủ quyết định đi học lại vào đầu tháng 3 hay nghỉ đến hết tháng 3 thì TP HCM đều đã có những phương án chuẩn bị để không bị động. Do đó, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP vẫn chưa chốt thời gian đi học trở lại của học sinh trên địa bàn.