Bia đá gỡ đi nhưng bia miệng còn đấy...

Sau những ồn ào về bức phù điêu ở lối vào trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, cuối cùng nó cũng bị gỡ bỏ. Nhưng ở đời, bia đá gỡ đi nhưng bia miệng còn đấy. Câu chuyện bức phù điêu, nó không khỏi khiến tôi liên tưởng về chuyện Từ Đạm tự đẽo chân mình vào đá núi Non Nước năm xưa.

Từ Đạm sinh năm Nhâm Tuất (1862). Ông là mệnh quan triều Nguyễn, từng được triều đình bổ đến chức Tuần phủ Ninh Bình.

Ninh Bình có núi Dục Thúy (còn gọi là núi Non Nước), văn nhân thường lên đây hóng gió, ngắm cảnh, làm thơ. Năm 1920, Từ Đạm cho người đục ghế ngồi ở đây, lại còn đục hình bàn chân của mình vào đá đề bên cạnh mấy câu thơ:

Phong nguyệt dữ câu thích,

Đồ thán thùy khổng ai

Sở lạc tại sơn thủy,

Tọa cửu duy phúc giai.

Rồi Từ Đạm tự dịch sang tiếng ta thành:

Trăng gió vui cùng hắn,

Lầm than bận kệ ai.

Vui chơi non với nước.

Có phúc được ngồi dai.

Vì việc “đục chân vào đá” này, Từ Đạm bị nho sĩ cho là lố bịch, chê cười khắp nơi. Thậm chí, nhà thơ ngông Tản Đà đã thuê thợ đá, đục bài thơ của mình bên cạnh:

Năm ngoái năm xưa đục mấy vần

Năm nay quan lại đục hai chân

Khen cho đá cũng bền gan thật

Đứng mãi cho quan đục mấy lần

Chuyện xưa là vậy.

Bức phù điêu gỡ đi nhưng những ý nghĩ sẽ còn lại mãi. Ảnh: V.H

Còn chuyện nay, người ta râm ran nhắc chuyện tấm phù điêu ở cổng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (44, Yết Kiêu, Hà Nội).

Tấm phù điêu nằm ngay bên phải lối vào cổng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nó mô tả cảnh lớp học mỹ thuật mà trung tâm bức phù điêu chính là thầy hiệu trưởng Lê Văn Sửu.

Tôi biết trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có vườn tượng, là nơi trưng bày các tác phẩm xuất sắc của các sinh viên qua nhiều năm. Đây là một thông lệ đẹp (nói “thông lệ” bởi nó không bắt buộc), vừa tạo cảnh quan cho nhà trường, vừa là nơi lưu giữ những tác phẩm tốt cho các học viên khóa sau.

Là người ngoại đạo, tôi không định bàn về giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chí ít, theo hội đồng khoa học của trường thì nó xứng đáng với 9,5 điểm – là số điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp. Tôi nhắc đến nó bởi một lẽ chân dung của thầy đương kim hiệu trưởng xuất hiện ở trung tâm.

Cổ ngữ có câu “Danh sư xuất cao đồ”, thầy giỏi sẽ có trò hay. Một người thầy tốt sẽ có học trò yêu mến mình. Chuyện học trò vì lòng yêu kính thầy mà mang hình dáng của thầy vào tác phẩm cũng không hiếm. Nhưng thầy mang tác phẩm ấy trưng ra trước bàn dân thiên hạ thì lại là một câu chuyện khác.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắng; đều phải thật sự dân chủ”.

Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", đăng trên Tạp chí Học tập, số 12, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay phải luôn tự mình trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện sùng bái cá nhân dưới mọi hình thức.

Trong Nghị quyết số 04-NQ/TW , Trung ương cũng chỉ rõ “háo danh, phô trương, thích được đề cao, ca ngợi” cũng là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Ở vụ việc bức phù điêu ở cổng trường Đại học Mỹ thuật, Thầy Sửu có phân bua là không chỉ đạo việc thực hiện bức phù điêu có chân dung mình. Sau những ồn ào, bức phù điêu cũng đã bị gỡ bỏ. Nhưng ở đời, bia đá gỡ đi nhưng bia miệng còn đấy. Nhìn tổng thể về câu chuyện bức phù điêu, nó không khỏi khiến tôi liên tưởng về chuyện Từ Đạm tự đẽo chân mình vào đá núi Non Nước năm xưa.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bia-da-go-di-nhung-bia-mieng-con-day-post71903.html