Biến cái mình có thành cái khách cần

PTĐT - Phú Thọ có nhiều làng nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc trưng; nhiều loại đặc sản mang đậm nét văn hóa, vùng miền. Thế nhưng làm sao để đưa những sản phẩm đặc trưng ấy đến được với hàng triệu du khách hành hương về Đất Tổ mỗi năm, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Phú Thọ, kích thích phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân lại đang là bài toán cần tìm lời giải.

Phú Thọ với lợi thế là cửa ngõ thủ đô Hà Nội với vùng du lịch Tây Bắc và có đầy đủ các tài nguyên du lịch về văn hóa, tâm linh, sinh thái, danh thắng, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… đã tạo nên lợi thế đặc biệt, được khai thác để phát triển du lịch thông qua việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối tour, tuyến du lịch nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa xây dựng được nhiều tour, tuyến du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách và các doanh nghiệp lữ hành lớn ở trong nước và quốc tế; đặc biệt là chưa cụ thể hóa được các sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ thị trường du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Thực tế, tại các khu điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật địa phương mang giá trị văn hóa đặc trưng Phú Thọ để kích thích chi tiêu của du khách.Với hàng triệu lượt du khách mỗi mùa lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực sự là “thị trường” tiềm năng đối với các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, thế nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương còn hạn chế. Bà Phạm Thị Hoàng Oanh – Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Hiện nay, tại Đền Hùng có hàng trăm quầy hàng bán đồ lưu niệm, quà tặng, quà biếu… nhưng chỉ xoay quanh một số mặt hàng như: Các loại chè, thịt chua, bánh củ mài, chè lam và một số sản phẩm lưu niệm như các loại vòng trang sức chất liệu đá, nhựa, quần áo, mũ, túi xách… Đáng tiếc, trong số đó không nhiều sản phẩm do người dân và các làng nghề thủ công truyền thống ở Phú Thọ sản xuất và không mang đậm dấu ấn vùng Đất Tổ, dấu ấn thời đại Hùng Vương, trong đó có nhiều sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài”.

Tại trung tâm thành phố Việt Trì; Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy và những khu vực thuận lợi, phù hợp trong lịch trình của khách du lịch tới tỉnh, chúng ta chưa có những điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch có quy mô phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Lác đác những cơ sở kinh doanh sản phẩm lưu niệm, quà tặng tại các khu, điểm du lịch nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các sản phẩm đặc sản địa phương, các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Đất Tổ. Ngay ở các nhà hàng, khách sạn lớn cũng chưa quan tâm, sử dụng nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản địa phương để giới thiệu đến với du khách. Mặt khác, việc thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp thị hiếu khách du lịch chưa được triển khai hiệu quả nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua hoạt động du lịch.Thịt chua của người Mường vốn là sản phẩm du lịch độc đáo đối với du khách. Thế nhưng không phải ai đến Phú Thọ cũng sẽ được giới thiệu, thưởng thức món ăn ấy và không phải ai cũng biết và sẵn sàng mua về làm quà. Tương tự, khách đến Việt Trì, Thanh Thủy… khó có thể mua được bưởi Đoan Hùng; nón lá Gia Thanh; ủ ấm Sơn Vi hay các sản phẩm lưu niệm như: Trống đồng, tượng cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ… Nếu có mua được cũng khó phân biệt thật giả, xuất sứ của những món ăn, sản phẩm ấy nếu chúng ta không có một “kênh” phân phối, giới thiệu chính thống, tin cậy. Sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch, thu hút du khách, kích cầu chi tiêu của du khách, vì vậy, khi ngành du lịch và những địa điểm du lịch đã và đang cố gắng tìm ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên sự khác biệt, mang tính vùng miền, đậm chất văn hóa thì cần thiết phải có cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc tập trung, hệ thống các sản phẩm và giới thiệu, quảng bá theo một “kênh” chính thống.Giống như một số tỉnh, thành phố trong nước đã và đang triển khai các trung tâm giới thiệu sản phẩm du lịch, để “biến cái mình có thành cái cái khách cần”, biến những sản phẩm du lịch đặc trưng khiến du khách phải mở hầu bao thì trước tiên, Phú Thọ cần thiết phải có một hệ thống trung tâm chính quy, dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp. Từ đó mới tạo ra sự hấp dẫn, đặc trưng và uy tín để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, đồng thời khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất và nhân dân tạo ra các sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/202002/bien-cai-minh-co-thanh-cai-khach-can-169493